COVID-19 có thể lây nhiễm qua đường mắt

Các nhà khoa học đã cho một bầy khỉ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và sau đó phát hiện những con khỉ lành bệnh có khả năng miễn dịch trở lại với căn bệnh này. Đây được xem là một phát hiện quan trọng trong công cuộc chạy đua điều chế vaccine cho COVID-19.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những con vật có thể bị nhiễm bệnh qua đường mắt, điều đó có nghĩa là đeo khẩu trang vẫn không hoàn toàn bảo vệ được con người khỏi căn bệnh này, báo South China Morning Post đưa tin.

Khỉ có thể miễn dịch với virus SARS-CoV-2 sau khi lành bệnh

Giới khoa học trên toàn thế giới đang chạy đua với thời gian để bào chế vaccine phòng bệnh COVID-19 và thử nghiệm lâm sàng có thể được bắt đầu ở Trung Quốc và Mỹ trong một tháng tới.

Tuy nhiên, một số trường hợp, trong đó những người đã xét nghiệm âm tính với căn bệnh này và được xuất viện nhưng dương tính trở lại vài ngày sau đó. 

Khỉ raveus có thể miễn dịch với virus SARS-CoV-2 sau khi lành bệnh. Ảnh: AFP

Tỉ lệ đó là khoảng 0,1%-1% trên toàn Trung Quốc, theo truyền thông nhà nước nhưng ở một số nơi như Quảng Đông, có tới 14% số bệnh nhân ra viện sau đó lại dương tính. Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng nếu đúng các bệnh nhân này bị tái nhiễm cùng chủng virus ban đầu thì vaccine sẽ không hiệu quả.

Nhưng nghiên cứu của Học viện Y học Trung Quốc trên khỉ, công bố ngày 14-3 trên trang bioRxiv, dành cho các nghiên cứu đang chờ bình duyệt (peer-reviewed), có thể làm giảm đi nỗi lo này.

GS Qin Chuan đã trong báo cáo nói rằng nhóm nghiên cứu của ông đã cho bốn con khỉ raveus nhiễm COVID-19 và các con vật bắt đầu có dấu hiệu bị bệnh ba ngày sau đó. Chúng bắt đầu bị sốt, khó thở, chán ăn, sụt cân. Đến ngày thứ bảy, virus đã lan toàn thân và phá hoại mô phổi đối với một con khỉ.

Tuy nhiên, những con khỉ còn lại đã hồi phục dần dần và cuối cùng ngừng xuất hiện các triệu chứng. Khoảng một tháng sau, sau khi xét nghiệm lại toàn bộ số khỉ trên thì cho kết quả âm tính. Đồng thời, phim chụp X-quang cho thấy các cơ quan nội tạng của lũ khỉ đã hồi phục hoàn toàn. 

Các nhà nghiên cứu sau đó lại tiếp tục tiêm virus SARs-CoV-2 cho hai con khỉ trong số đó. Thân nhiệt của chúng sau đó chỉ tăng nhẹ, còn mọi thứ khác vẫn bình thường.

Hai tuần sau, các nhà khoa học không tìm thấy dấu hiệu virus trong cơ thể chúng. Trong khi đó, nồng độ kháng thể rất cao. Điều này cho thấy hệ miễn dịch của chúng đã sẵn sàng chống lại bệnh.

GS Qin Chuan cho biết kết quả này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển vaccine chống lại loại virus này.

Các nhà nghiên cứu còn lập luận rằng việc một số người bệnh dương tính trở lại sau khi âm tính có thể do các nguyên nhân khác, chẳng hạn sai sót khiến xét nghiệm ban đầu cho kết quả âm tính, chứ chưa hẳn là do bệnh nhân nhiễm bệnh lại.

Được biết thí nghiệm trên động vật kể trên đã được hỗ trợ và theo dõi bởi các bác sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.

COVID-19 có thể lây qua đường tiếp xúc mắt

GS Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc, vào tuần trước nói cơ thể các bệnh nhân đã hồi phục có mức kháng thể cao và cho rằng họ khó bị lây virus lại.

“Nhưng câu hỏi hiện nay là liệu những người tiếp xúc gần và gia đình có bị nhiễm bệnh hay không nếu bệnh nhân lại dương tính trở lại. Đến nay tôi chưa thấy bằng chứng” - ông Chung nói.

SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm qua đường tuyến lệ ở mắt rồi di chuyển xuống cuống họng. Ảnh: REUTERS

Dù vậy, chính quyền Trung Quốc vẫn cẩn trọng. Từ ngày 5-3, mọi bệnh nhân ra viện cần phải ở lại cơ sở cách ly thêm hai tuần.

Một bác sĩ tại bệnh viện công ở Bắc Kinh cho biết các thí nghiệm đem lại thông tin quý giá, vì gen của khỉ gần với con người nhưng “những gì xảy ra ở khỉ chưa chắc xảy ra với con người”.

Bác sĩ cũng nói rằng một trường hợp gần đây ở Nhật Bản đã gây ra một số lo ngại trong giới y tế, sau khi cơ quan y tế báo cáo rằng một bệnh nhân 70 tuổi đã hồi phục lại phải nhập viện một lần nữa vì lại xuất hiện các triệu chứng của COVID-19 như sốt và khó thở.

Trong một thí nghiệm khác, nhóm nghiên cứu của GS Qin tìm thấy bằng chứng cho thấy con người có thể nhiễm bệnh qua đường mắt. Ông và các cộng sự nhỏ dung dịch có chứa virus vào mắt của hai con khỉ. Họ bất ngờ khi không phát hiện virus trên mắt khỉ trong ngày hôm sau nhưng vài ngày sau, cả hai con đều dương tính. Thử nghiệm kỹ hơn, họ phát hiện ra virus đã đi theo tuyến lệ rồi vào phần trên của cổ họng.

Dựa vào đó, nhóm nghiên cứu cho rằng mọi người nên nhận thức tốt hơn về việc bảo vệ mắt. Họ nói nguy cơ lây lan có thể được giảm bằng cách “rửa tay thường xuyên và đeo bảo hộ mắt khi tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc ở các nơi đông người, đặc biệt đối với các y, bác sĩ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm