Chỉ trong một ngày, Tây Ban Nha ghi nhận thêm tới 838 người chết vì COVID-19, đưa tổng số ca tử vong của nước này lên 6.528, theo Channel News Asia (CNA). Số người chết ở Tây Ban Nha hiện đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Ý và bỏ xa Trung Quốc.
Chỉ trong ngày 29-3, Tây Ban Nha cũng có thêm 6.875 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm ở nước này lên 80.110 ca.
An táng một nạn nhân COVID-19 tại nghĩa trang Fuencarral ở Madrid (Tây Ban Nha). Ảnh: AFP
Ngày 29-3, Giám đốc Trung tâm y tế khẩn cấp - ông Fernando Simon cho biết các khu chăm sóc đặc biệt đang trở nên bão hòa, tuy nhiên sức khỏe các bệnh nhân đang dần ổn định. Các ca nhiễm nặng cũng giảm dần trong vài ngày gần đây.
Tây Ban Nha cũng vừa công bố thời gian chính thức để tang cho những người tử vong vì dịch bệnh. Cờ sẽ được treo rủ và tạm dừng mọi hoạt động ồn ào để tưởng niệm những người đã chết.
Tình hình dịch phức tạp, số người chết, số ca nhiễm quá cao và liên tục tăng đã buộc chính phủ Tây Ban Nha cuối cùng phải chấp nhận thực tế rằng chỉ có thể phong tỏa hoàn toàn mới mong kiềm chế sự lây lan của COVID-19.
Lúc này Tây Ban Nha chuẩn bị bước vào tuần thứ ba phong tỏa, tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế COVID-19 lây lan.
Theo CNA, trên truyền hình quốc gia hôm 28-3, Thủ tướng Pedro Sanchez yêu cầu tất cả người lao động những ngành nghề không thiết yếu phải ở nhà. Ông nói rằng các công nhân vẫn nhận được tiền lương nhưng sau này sẽ phải làm bù lại.
Biện pháp sẽ kéo dài từ ngày 30-3 đến ngày 9-4 và được xem là biện pháp mới nhất của chính phủ trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.
Hôm 29-3, Bộ trưởng Lao động Yolanda Diaz cho biết biện pháp này sẽ được áp dụng linh hoạt. Người lao động được trả lương nhưng sẽ phải làm bù trước thời điểm 31-12 năm nay.
"Chúng tôi cần giảm khả năng di chuyển của người dân" - bà Yolanda Diaz nói.
Bắt đầu từ ngày 29-3, tất cả người dân ở Tây Ban Nha đều bị cấm đi lại. Cảnh sát bắt đầu tăng cường tuần tra, dừng xe buýt và ô tô để kiểm tra lý do người dân ra đường.
Các trường học, quán bar, nhà hàng và cửa hàng bán các mặt hàng không thiết yếu đã bị đóng cửa kể từ ngày 14-3. Những ngành dịch vụ thiết yếu khác như cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, ngân hàng, tòa soạn báo, trạm xăng vẫn làm việc bình thường, theo kênh Euronews.