Theo trang thống kê Worldometer, tính đến 5 giờ 30 sáng 1-8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có 17.724.270 ca nhiễm và 681.824 ca tử vong vì COVID-19 Thế giới cũng ghi nhận 11.140.890 ca hồi phục.
Trong ngày 31-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã ghi nhận số ca nhiễm mới trên toàn cầu tăng kỷ lục. Chỉ trong vòng 24 giờ, tổ chức này ghi nhận 292.527 ca nhiễm và 6.812 ca tử vong.
Trường học ở Mỹ hồi hộp đón học sinh sinh viên trở lại học
Hiện Mỹ vẫn là vùng dịch nghiêm trọng nhất thế giới với 4.697.904 ca nhiễm và 156.612 ca tử vong. Trong ngày 31-7, nước này ghi nhận thêm 62.919 ca nhiễm và 1.327 ca tử vong.
Nước Mỹ chuẩn bị bước vào năm học mới 2020-2021. Hiện nhiều trường đang vừa mở cửa vừa hồi hộp vì lo nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho một học sinh tại TP Los Angeles, California (Mỹ) ngày 24-7. Ảnh: VALERIE MACON/AFP/GETTY/CNN
Khu học chánh ở bang Indiana ngày đầu tiên mở cửa đón học sinh trở lại đã phát hiện một học sinh nhiễm COVID-19. Sở Y tế Hạt Hancock hôm 30-7 đã thông báo cho Trường trung học cơ sở Greenfield-Central rằng một trong những học sinh của trường đã nhiễm COVID-19.
Học sinh kể trên ngay lập tức được cách ly trong phòng khám của trường. Trường học này sau đó đã xem xét lịch học của học sinh, bao gồm xe đưa rước, các hoạt động ngoại khóa để khoanh vùng các học sinh khác có thể đã bị lây nhiễm dịch bệnh từ học sinh này.
Trước tình hình dịch bệnh đang ngày một báo động, các thống đốc bang đang khẩn trương yêu cầu chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục gia hạn việc triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia để hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch.
Vào cuối tháng 5, Tổng thống Trump đã gia hạn khoản tài trợ liên bang cho việc triển khai Vệ binh Quốc gia cho đến giữa tháng 8. Hiện có khoảng 46.000 thành viên Vệ binh Quốc gia đang hỗ trợ chống dịch COVID-19 theo sự chỉ đạo của các thống đốc bang.
Brazil: Thêm một Bộ trưởng nhiễm COVID-19
Brazil ngày 31-7 ghi nhận thêm 52.383 trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 2.662.485. Đây là ngày thứ ba liên tiếp quốc gia này ghi nhận số ca nhiễm mỗi ngày vượt quá 50.000 người, theo đài CNN.
Bộ trưởng Wagner Rosario phát biểu tại một cuộc hội thảo chống tham nhũng ở Brasipa, Brazil năm 2018. Ảnh: MATEUS BONOMI/ AGIF /AP/CNN
Ngoài ra, Bộ y tế nước này cũng vừa ghi nhận thêm 1.212 trường hợp tử vong mới liên quan đến virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người chết lên 92.475.
Đức: Đà nhiễm lại tăng mạnh
Đức hiện nay đã có 210.399 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 9.147 trường hợp tử vong, và hiện đang phải đối phó với tình trạng nhiễm mới gia tăng trở lại, đa phần rơi vào số du khách đến nước này.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn. Ảnh: HENNING SCHACHT/POOL/GETTY/CNN
Do vậy, Bộ Y tế Đức vừa ra chỉ thị mới để hạn chế lây nhiễm COVID-19. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1-8, tất cả khách du lịch đến Đức sẽ có thể được xét nghiệm COVID-19 miễn phí trong vòng 72 tiếng sau khi vào nước này.
"Sự gia tăng số ca nhiễm mới là một cảnh báo rõ ràng. Virus không nghỉ ngơi ngày nào. Do đó, bất cứ ai đến Đức nên được xét nghiệm- một cách tự nguyện và miễn phí" - Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói.
Nền kinh tế châu Âu đã giảm 11,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý hai do nền kinh tế khu vực này bị đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng, khiến khu vực này rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
Cụ thể, Pháp, Ý và Tây Ban Nha ghi nhận GDP giảm lần lượt là 13,8%, 12,4% và 18,5% trong quý II.
Tại châu Á, chiều 31-7, Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố hoãn cuộc bầu cử hội đồng lập pháp Hong Kong dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6-9 tới vì lo ngại dịch COVID-19. Bà cũng chưa đưa ra ngày dự kiến tổ chức bầu cử.