Theo kênh Channel New Asia ngày 11-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
“WHO đã đánh giá đợt bùng phát dịch này toàn diện và chúng tôi đang quan ngại sâu sắc cả về mức độ lây lan và gây hại đáng báo động; và cả mức độ không hành động đáng báo động. Do đó, WHO tuyên bố dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu" - WHO thông báo.
Người đứng đầu WHO, Tổng Giám đốc Tedros và Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp thuộc WHO - ông Mike Ryan đã giải thích lý do vì sao tuyên bố COVID-19 là đại dịch.
Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus (giữa), Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp, ông Mike Ryan (trái) và Chỉ huy về kỹ thuật Chương trình Y tế khẩn cấp, bà Maria Van Kerkhove (phải). Ảnh: AP
Lý do thứ nhất, theo ông Tedros: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình hình lây lan và nghiêm trọng của dịch và cũng như mức độ thờ ơ đáng báo động về dịch bệnh".
Tại thời điểm WHO tuyên bố đại dịch, đã có hơn 118.000 ca nhiễm bệnh ở 114 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có 4.291 người đã tử vong, theo kênh Channel News Asia. Tuy nhiên, ông Tedros lo ngại con số vẫn tiếp tục tăng cao.
Trong hai tuần qua, số ca nhiễm bệnh trên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số quốc gia có người nhiễm bệnh tăng gấp ba lần.
Lý do thứ hai, cùng với việc tuyên bố đại dịch, ông Tedros kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng gấp đôi nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, cho rằng các biện pháp tích cực vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc khống chế dịch.
Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp Mike Ryan cảnh báo sự quá tải trong hệ thống y tế ở Ý và Iran - hai ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc - có thể là viễn cảnh ở nhiều nước khác.
"Chúng ta cần hành động ngay bây giờ. Ý và Iran hiện ở tuyến đầu. Chúng ta đang chịu thiệt hại nhưng tôi đảm bảo rằng các quốc gia khác rất mau chóng sẽ phải ở trong tình huống này" - ông Ryan nói.
Ông Ryan mô tả tình hình dịch ở Iran là "rất nghiêm trọng" và hy vọng Iran có thực hiện nhiều hơn các biện pháp giám sát và chăm sóc người nhiễm bệnh. Đồng thời, Iran còn đối mặt với thực tế khan hiếm trang bị bảo hộ, hệ thống thông gió và ôxy dùng trong y tế.
"Chúng tôi đã nêu rõ rằng nguồn cung là rất, rất khan hiếm và chúng tôi đang vật lộn để tìm ra nguồn cung từ bên ngoài" - ông Ryan nói.
Ông cũng nhắc lại đề nghị nhiều quốc gia nên mở rộng đối tượng xét nghiệm ngoài người già và người có lịch sử đi lại tới Trung Quốc. Ông cũng và kêu gọi các nước cập nhật biện pháp giám sát và truy tìm lịch sử tiếp xúc, cũng như bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe của các nhân viên y tế.
Ông Ryan lo ngại kinh nghiệm từ dịch cúm mùa, đại dịch thế giới từng hứng chịu trước đó, có thể khiến mọi người hiểu lầm rằng đại dịch COVID-19 đã không thể khống chế được ngay từ khi nó bắt đầu. Ông cho rằng thực tế tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore là dẫn chứng cho khả năng kiểm soát đại dịch này.
Tuy nhiên, Ryan không hề khẳng định thế giới sẽ "hoàn toàn ngăn chặn" dịch bệnh. Ông chỉ muốn nhấn mạnh rằng thế giới vẫn còn cơ hội để giảm mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, giảm số trường hợp phải điều trị tại các cơ sở y tế và cứu sống nhiều bệnh nhân hơn.
Viết trên Twitter, Giám đốc Tedros nhắc lại đây là đại dịch đầu tiên do virus thuộc họ Corona gây ra và là đại dịch có thể khống chế được. Ông cũng khẳng định việc công bố đại dịch toàn cầu không làm thay đổi cách WHO hành động và cách các quốc gia cần phải hành động.
Vài tuần trước, các quan chức WHO đã nhắc đến khả năng công bố "đại dịch" COVID-19 nhưng cũng nhấn mạnh cách gọi tên như vậy không có ý nghĩa pháp lý gì.
Từ ngày 30-1, WHO đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh toàn cầu lên mức "rất cao" - mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo của tổ chức này.