Tờ Politico dẫn lời một số nguồn thạo tin cho biết ông Trump đã bàn bạc về việc bãi nhiệm giám đốc FBI trong hơn một tuần qua. Lá thư Bộ Tư pháp Mỹ gửi đến Nhà Trắng là giọt nước tràn ly để ông đưa ra quyết định đầy bất ngờ.
Cú sốc chính trị quá lớn
Ông James Comey bị sa thải là một điều quá bất ngờ, theo tờ The New York Times. Không ai trong Quốc hội Mỹ hay quan chức của FBI biết trước về ý định này. Một số thượng nghị sĩ sau khi được thông báo đã cho rằng đó là một quyết định không thể tin nổi.
Quyết định này nhanh chóng gặp phải phản ứng của các nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ, đặc biệt là từ đảng Dân chủ. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết Tổng thống Trump đã gọi điện thoại cho ông để thông báo việc sa thải Comey. Ông Schumer trả lời thẳng: “Ngài đã phạm sai lầm rất lớn”. Hàng loạt nghị sĩ phe Dân chủ đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt. Ông Bernie Sanders, thượng nghị sĩ của bang Vermont, cũng cho rằng quyết định này đã đặt ra những nghi ngờ nghiêm trọng về những gì mà chính quyền ông Trump có thể đang muốn che giấu. FBI đang là cơ quan điều tra mối liên hệ giữa các trợ lý của ông Trump với các quan chức Nga.
Quyết định của ông Trump vẫn được một số nghị sĩ đảng Cộng hòa có ảnh hưởng bảo vệ như thường lệ. Nhưng một số thành viên khác, trong đó có thượng nghị sĩ John McCain và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr, cũng đưa ra cảnh báo về tính nghiêm trọng của vụ việc với tiến trình điều tra trên.
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer và các đảng viên Dân chủ khác đã bắt đầu kêu gọi một công tố viên độc lập hoặc thậm chí là một ủy ban độc lập của Thượng viện mở cuộc điều tra các cáo buộc về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 sau khi ông James Comey bị sa thải. “Nếu không có cuộc điều tra độc lập này, người dân Mỹ sẽ cho rằng quyết định sa thải ông Comey là nhằm để bao che cho một việc gì đó” - thượng nghị sĩ Chuck Schumer nói với các PV trước trụ sở tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Giám đốc FBI James Comey (phải) chiều tối 9-5 (giờ Mỹ) bất ngờ bị Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) sa thải. Ảnh: GETTY IMAGES
Vị tổng thống khó lường
Theo tờ Politico của Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã cân nhắc việc sa thải ông chủ FBI trong hơn một tuần qua. Tuy nhiên, cho đến khi đưa ra quyết định cuối cùng vào chiều 9-5, ông vẫn không gọi cho ông James Comey. Nhân vật chính của câu chuyện thậm chí còn nhận tin bị bãi nhiệm trước nhất thông qua… truyền hình. Ông Trump sau đó đã gửi một bức thư sa thải ông chủ FBI đến trụ sở của cơ quan này ở thủ đô Washington, nơi cách Nhà Trắng không xa. Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng tiết lộ đã sốc nặng khi nghe thông tin qua điện thoại.
Hai cố vấn trong chính quyền ông Trump tiết lộ tổng thống ngày càng tức giận với FBI, nhất là khi ông Comey thừa nhận trước Thượng viện rằng FBI đang điều tra về chiến dịch tranh cử, cũng như bác bỏ cáo buộc việc ông Obama nghe lén. Ông Trump thấy thất vọng vì không thể kiểm soát những câu chuyện liên quan đến Nga nổi lên liên tiếp trong thời gian qua. Tổng thống đã liên tục hỏi các trợ lý vì sao cuộc điều tra về Nga không biến mất, đôi khi ông còn hét lên khi truyền hình phát những tin tức này.
Trong bức thư gửi cho FBI, ông Trump cho biết lý do của việc sa thải lãnh đạo cơ quan này là do cách làm việc của ông Comey trong cuộc điều tra bê bối email cá nhân của bà Hillary Clinton. Tuy nhiên, lý do này dường như không thuyết phục. hồi năm ngoái, chính ông Trump từng ca ngợi ông Comey là người can đảm khi điều tra những email này.
Ông Trump nhận được bức thư từ Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions và Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein vào ngày 9-5, theo lời một phát ngôn viên của Nhà Trắng. Ngay cùng ngày, ông đã nhanh chóng quyết định sa thải ông Comey dựa trên gợi ý của lá thư. Phát ngôn viên Nhà Trắng cũng nói rằng ông Trump không chủ động “yêu cầu” bức thư này và giới chức Nhà Trắng cũng không biết trước Bộ Tư pháp sẽ lên tiếng.
Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ cho Politico, ông Trump đã theo dõi tin tức trên truyền hình về quyết định sa thải và thấy thất vọng vì không có nghị sĩ nào bảo vệ quyết định của ông. Công tác truyền thông với báo chí sau đó cũng được chuẩn bị vội vã, bởi các nhân viên Nhà Trắng đều bị động trước tình huống quá đột ngột này. Theo lời một quan chức Nhà Trắng, hiện vẫn chưa có ứng viên nào được đề cử để thay thế vị trí của ông Comey.
Hình bóng của một Nixon? Quyết định vào chiều 9-5 của ông Trump đang được ví với “vụ thảm sát đêm thứ Bảy” của cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon khi sa thải công tố viên đặc biệt Archibald Cox vào năm 1973, người đang điều tra vụ bê bối Watergate liên quan đến chính ông Nixon. Quyết định khi đó của Tổng thống Nixon đã khiến cho bộ trưởng và thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ chủ động từ chức và kéo theo một loạt tác động chính trị. Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ sau vụ bê bối Watergate ra lệnh sa thải một quan chức đang tiến hành điều tra về những cáo buộc liên quan đến tổng thống Mỹ. Nhiều thượng nghị sĩ đã lên tiếng phản đối hành động trên. “Đây là hình ảnh của Nixon” - ông Bob Casey, thượng nghị sĩ đảng Dân chủ tại bang Pennsylvania, chỉ trích ông Trump. _______________________ “Nếu Tổng thống Donald Trump muốn cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga biến mất thì quyết định của ông ấy hôm nay có tác dụng trái ngược. Nó chỉ làm thổi bùng lên những nghi ngờ” - nhà sử học Mỹ Timothy Naftali. |