Ngày bầu cử Mỹ chính thức đã cận kề, tuy bị tác động từ sự kiện Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tái điều tra vấn đề e-mail cá nhân nhưng các chỉ số thăm dò cho thấy cơ hội dành cho ứng viên Hillary Clinton vẫn cao hơn ông Donald Trump. Trả lời chúng tôi, nhiều cử tri Mỹ cho biết họ vẫn bỏ phiếu cho nữ cựu ngoại trưởng Mỹ dù niềm tin của họ với bà Clinton đã suy giảm nhiều hơn sau nhiều sự kiện vừa qua.
Ông Trump là ứng viên “nguy hiểm”
“Bạn chọn ai làm tổng thống Mỹ?” - trả lời câu hỏi này của chúng tôi, anh Will Thomas (sống tại Chicago) cho rằng ông Trump là ứng viên “nguy hiểm nhất” mà anh từng thấy và chưa có đảng nào đề cử một ứng viên như vậy trước đây. “Tôi nghĩ nếu ông ấy được chọn làm người lãnh đạo nước Mỹ, đất nước này và cả thế giới sẽ gánh chịu nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Tôi tin ông ấy hoàn toàn không đủ năng lực để làm tổng thống và là một mối đe dọa đối với các giá trị và nền dân chủ của Mỹ. Cả gia đình tôi cũng không bầu cho Trump vì ai cũng biết ông ấy là một ứng viên rất đáng sợ. Tôi chọn bà Clinton vì ông Trump phải bị loại trừ” - Will cho biết.
Cùng quan điểm với Will, anh Alex McGrath (sống ở Virginia nhưng bầu cử tại Massachusetts) cho biết dù bà Clinton chưa hội đủ các tiêu chí như mong đợi ở một người tổng thống nhưng ông Trump còn tệ hơn. “Ông ấy dùng cách hùng biện đầy nguy hiểm và gây chia rẽ. Trump không có bất kỳ sự chuẩn bị nào đối với các vấn đề chính trị. Thế nên tôi bầu chọn cho bà Clinton. Gia đình và nhiều bạn bè tôi cũng nghĩ như vậy” - Alex bày tỏ.
Cũng là cử tri không hài lòng với hai ứng viên chính năm nay, David Weber (luật sư làm việc tại Washington) chia sẻ: “Thật lòng mà nói, tôi ở tình thế phải bầu chọn cho bà Clinton”. David cho biết năm nay anh đã bỏ phiếu sớm. “Tôi thích bỏ phiếu đúng ngày hơn, bởi lẽ khi đó tôi có tất cả thông tin về ứng viên cho đến giờ chót. Nhưng chọn lựa năm nay (bầu sớm cho bà Clinton - NV), đến thời điểm này, không làm tôi thấy hối hận dù nơi tôi bỏ phiếu (tiểu bang Missouri) chủ yếu ủng hộ ông Trump và lá phiếu ủa tôi dành cho bà Clinton là hiếm hoi. Dù sao bà ấy cũng có khả năng lãnh đạo hơn, mặc dù tôi đoán bà ấy sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trước Quốc hội trong vai trò tổng thống. Nhìn tổng thể các chọn lựa trong cuộc bầu cử lần này, dù tôi không đồng tình với nhiều chính sách của bà Clinton nhưng bà ấy là lựa chọn tốt hơn (ông Trump)” - David nói.
Ứng viên Donald Trump (trái) và Hillary Clinton đang bước vào những ngày cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng 2016. Ảnh: NETIVIST
“Trump gây ảnh hưởng Tòa Tối cao Mỹ”?
Lý giải cụ thể về chọn lựa của mình, cô Lindsay Blauvelt (sống ở New Haven, TP Connecticut) tỏ ra bức xúc: “Ông Trump không có kinh nghiệm làm chính sách, quan hệ ngoại giao hay chiến lược quân sự. Tôi nghĩ sẽ không có đủ các nhà cố vấn trên thế giới này có thể hỗ trợ ông ấy trở thành một ứng viên đáng tin cậy”. Lindsay cho rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump khá “độc hại” khi đẩy người nhập cư, phụ nữ và nhiều tầng lớp khác đối mặt nhiều rủi ro và kích động những người có cùng tư tưởng như ông ấy. “Nhiều bạn bè tôi đã bầu cho ông Trump nhưng tôi không tin rằng ông ta có khả năng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân và “đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại trở lại” (thông điệp tranh cử của Trump - NV) - Lindsay nhìn nhận.
Đối với ứng viên Clinton, như nhiều cử tri khác, Lindsay cho rằng trong hai người thì bà Clinton “đỡ hơn” so với ông Trump. “Nhìn vào quá khứ chính trị của bà Clinton sẽ thấy bà ấy là ứng viên có thể sẽ duy trì tình trạng người nhập cư, người da màu và các tầng lớp dễ bị tổn thương khác phụ thuộc vào các tập đoàn kinh tế lớn. Việc xây dựng chính sách trong nước của bà Clinton trước đây chủ yếu phục vụ cho các tầng lớp giàu có và tạo ra những khoản nợ đối với người nghèo” - Lindsay nói. Lindsay còn bày tỏ những nghi ngờ đối với mối quan hệ giữa xây dựng chính sách quốc gia của bà Clinton với các khoản đóng góp chính trị từ các tập đoàn và các ngân hàng lớn mong muốn gây ảnh hưởng chính sách của Mỹ.
Với góc nhìn cá nhân, Lindsay bày tỏ sự đắn đo trong việc chọn lựa một trong hai. “Rất có thể tôi sẽ chọn bà Clinton, không phải vì tôi tin vào những giá trị bà ấy hứa hẹn, mà vì Tòa án Tối cao của Mỹ đang trống một ghế (kể từ sau khi thẩm phán Antonin Scalia qua đời vào ngày 13-2 - NV). Khả năng cao vị trí này sẽ được bổ sung vào nhiệm kỳ tới. Nếu ông Trump chiến thắng và có quyền đề cử người vào vị trí này, các vấn đề lâu dài liên quan “quyền kết hôn” với cộng đồng LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới) và “quyền được chọn” trong vấn đề sinh con của phụ nữ Mỹ có thể sẽ bị lật ngược. (Theo The Economist thống kê, trong lịch sử nước Mỹ, các tổng thống thường đưa các ứng viên yêu thích của mình vào Tòa án Tối cao một cách khá dễ dàng - NV). Viễn cảnh này nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng đến Mỹ trong vòng 30-40 năm tới. Nếu không vì ông Trump (mà phải chọn bà Clinton) thì tôi đã bỏ phiếu cho một ứng viên ở đảng thứ ba” - Lindsay cho hay.
Kỳ vọng có nhiều chọn lựa hơn Nhiều cử tri nói với chúng tôi rằng họ kỳ vọng bầu cử năm nay có nhiều chọn lựa hoàn hảo hơn là hai ứng viên từ đảng Dân chủ và Cộng hòa. “Cả hai ứng viên năm nay (bà Clinton và ông Trump - NV) đều không được đánh giá cao bởi họ có nhiều điểm khiến cử tri khó có thể tin cậy, thậm chí còn gây ra nhiều vụ bê bối trong quá khứ. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thể bầu chọn cho ai đó hoàn hảo hơn hai ứng viên năm nay nhưng cách thức vận hành hệ thống bầu cử của Mỹ hiện nay chỉ dẫn đến kết quả một trong hai ứng viên (của đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa - NV) trở thành người chiến thắng” - David Weber (luật sư làm việc tại Washington) nói. Trước thực trạng nhiều cử tri thất vọng với cả hai ứng viên, trả lời câu hỏi: “Như thế nào mới là một ứng viên hoàn hảo như kỳ vọng?”, David Weber nói: “Thực tế trong một cuộc bầu cử, cử tri muốn bầu chọn cho người họ thích và nghĩ là lý tưởng nhất. Nghĩa là người đó được cử tri tín nhiệm có thể đảm trách tốt vị trí tổng thống. Nhưng trong bầu cử này, tôi đã thấy quá nhiều người phàn nàn rằng họ không thích cả hai ứng viên nhưng họ buộc phải chọn người này để người còn lại không thể chiến thắng”. Giải thích về sự thất vọng của nhiều cử tri Mỹ sau chiến dịch tranh cử rầm rộ của hai ứng viên, TS Matthew F. Filner, học giả Fulbright nghiên cứu và giảng dạy tại Nhật Bản, cho rằng: “Đó là một phần trong xu hướng kéo dài từ những năm 1980. Cử tri đảng Dân chủ thường tín nhiệm rất thấp với ứng viên đảng Cộng hòa và ngược lại. Ứng viên của hai đảng chủ chốt này được giám sát, soi xét rất kỹ từ công luận qua nhiều thập niên, thế nên cả hai dễ dàng bị rơi vào các tầm nhắm tiêu cực so với những ứng viên khác vốn không được biết đến phổ biến”. Việc nhiều cử tri thất vọng với cả hai ứng viên Clinton và Trump không khác nhiều so với những cuộc bầu cử trước đây, có chăng chỉ gia tăng về mức độ mà thôi. ________________________________ Bầu cử Mỹ năm nay có ba ứng viên của nhóm đảng phái thứ ba đang tranh cử ở hơn 20 bang trong tổng số 50 tiểu bang của Mỹ. Họ bao gồm Jill Stein (Massachusetts) đại diện đảng Xanh; Gary Johnson (New Mexico) đại diện đảng Tự do và Darrell Castle (Tennessee) đại diện đảng Lập hiến. Ngoài ra còn một số ứng viên khác tranh cử ở số tiểu bang dưới 20. Gary Johnson và Jill Stein là hai ứng viên đáng chú ý trong bối cảnh bà Clinton và ông Trump gặp phải nhiều rắc rối. Tuy vậy, theo truyền thông Mỹ dự báo cả hai chưa có đến 10% cơ hội chiến thắng trước ông Trump và bà Clinton. |