Bầu cử Mỹ với tôi cũng là một cuộc đua Marathon. Dẫu kịch tính đến mấy thì cuối cùng chỉ một trong hai “vận động viên”, hoặc ông Trump đại diện những “Chú voi” (biểu tượng đảng Cộng hòa) hoặc bà Clinton đại diện những “chú Lừa” (biểu tượng đảng Dân chủ), sẽ về đích trước, hiên ngang đặt tay lên quyển kinh thánh tuyên thệ, chính thức đặt chân vào lịch sử nước Mỹ và thế giới với vai trò tổng thống thứ 45.
Khi cả ông Trump và bà Clinton đang được giới truyền thông dành cho những “đặc ân” (theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), tôi được nghe vài người bạn mình ở Mỹ trải lòng về những “vận động viên” dường như bị lãng quên trên đường Marathon bầu cử (mà tôi cảm nhận) “khắc nghiệt nhất hành tinh”.
Hoặc ông Trump (trái) hoặc bà Clinton sẽ đặt chân vào lịch sử nước Mỹ với vai trò tổng thống 45. Ảnh: GETTY
Người đầu tiên tôi trò chuyện là Phó Giáo sư David G. Embrick (ĐH Connecticut). Tôi hỏi: “Ông sẽ bầu chọn cho ai? Bà Clinton hay ông Trump?” Vị này tỏ ra không hài lòng với cả hai ứng viên này vì bản thân họ gặp nhiều hạn chế và trên hết là ông không thấy các đề xuất chính sách của họ là hợp lý và thuyết phục.
Chia sẻ quan điểm này của ông David, cô Mailyng Blair (sống tại California) cũng thẳng thắn: “Tôi sẽ không bầu chọn cho cả hai bởi tôi thật sự không thích họ.”
Mailyng quyết liệt: “Bà Clinton có kinh nghiệm nhưng mắc phải nhiều vụ bê bối, điều đó khiến tôi không cảm thấy tin tưởng. Ông Trump cũng không đáng tin vì không có kinh nghiệm chính trị, nói năng trước sau bất nhất”.
Cô gái này nói thêm cô không theo dõi hết các chương trình “tranh luận” (Debates) vì cảm thấy phí thời gian. Cả hai ứng viên thường tấn công cá nhân nhau và cô không cảm thấy đó là cuộc tranh luận thực sự.
Một số người khác, trong đó có Pedro A. Regalado, nghiên cứu sinh tại ĐH Yale chương trình Nghiên cứu Hoa Kỳ cũng nói rằng họ chưa hài lòng với cả hai ứng viên và mong muốn có một chọn lựa thứ ba - người hoàn hảo hơn có khả năng chiến thắng trở thành tổng thống Mỹ.
Phó giáo sư xã hội học David cho rằng mặc dù dường như cả nước Mỹ và thậm chí là cả thế giới đang tập trung vào hai ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton, thực tế vẫn có những ứng viên tổng thống khác đang “tìm đường đến Nhà Trắng”.
Có ba ứng viên của nhóm đảng phái thứ ba đang tranh cử ở hơn 20 bang trong tổng số 50 tiểu bang của Mỹ. Họ bao gồm Gary Johnson (New Mexico) đại diện đảng Tự do; TS Jill Stein (Massachusetts) đại diện đảng Xanh; và Darrell Castle (Tennessee) đại diện đảng Lập hiến. Ngoài ra còn một số ứng viên khác tranh cử ở số tiểu bang dưới 20.
Bà Jill Stein. Ảnh: AP
Nói về chọn lựa của mình, ông David cho biết: “Tôi đã bỏ phiếu sớm cho Jill Stein của đảng Xanh. Tôi đồng cảm với giá trị và thái độ của bà ấy đối với các vấn đề giáo dục, kinh tế, cải cách bầu cử, chính sách quốc phòng và đối ngoại, y tế, quan hệ chủng tộc, nhập cư và các vấn đề khác. Tôi cần một ứng viên không phục vụ những ý tưởng đường đột của giới đại doanh nghiệp; không cảm thấy cần thiết phải gắn với những cuộc chiến tranh phi nghĩa khắp thế giới; không chấp nhận việc chỉ giúp đỡ giới giàu có mà lơ những người nghèo khổ, thành phần lao động chân tay hay các những thành phần trung lưu trong xã hội”.
Cùng quan điểm với David, anh Pedro A. Regalado lưu ý đến các đề xuất cải cách bầu cử của bà Jill Stein là rất đáng quan tâm.
“Nếu bỏ phiếu tôi sẽ bỏ phiếu cho bà Jill Stein bởi đó là cách duy nhất để cải cách hệ thống bầu cử trở nên dân chủ hơn ở Mỹ. Cử tri không phải buộc chọn lựa một trong hai. Bốn năm làm tổng thống của ông Trump sẽ là vô cùng tệ hại, nhưng việc để người nghèo khổ phải chịu cảnh thiệt thòi trong suốt nhiều thập kỷ lại càng tệ hại hơn. Lần bầu cử này là một cơ hội để mang lại sự thay đổi” - Pedro nhận xét.
Trong khi đó, cô Mailyng cho biết sẽ bỏ phiếu cho Gary Johnson, cựu thống đốc bang New Mexico, từng tranh cử tổng thống năm 2012 với tư cách ứng viên Cộng hòa trước khi chuyển sang đảng Tự do. Tỉ lệ phiếu dành cho những ứng viên đảng thứ ba như Jill Stein hay Gary Johnson năm 2016 được đánh giá là “dễ thở” hơn những năm trước.
Ông Gary Johnson. Ảnh:THELIBERTARIANREPUBLIC
Dẫu vậy, theo tờ The New York Times, kết quả các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc cho thấy bà Jill Stein chỉ được khoảng 3% cử tri ủng hộ trong khi con số này với ông Johnson là khoảng 8%. Truyền thông Mỹ dự báo cả hai chưa có đến 10% cơ hội trước ông Trump và bà Clinton.
Cuộc đua vào Nhà Trắng khốc liệt, không chỉ ở chỗ ứng viên phải có năng lực chính trị, tầm nhìn chính sách, cái đầu “lạnh” trước thời cuộc mà còn ở sức hấp dẫn trong việc thu hút nguồn lực tài chính cho những chiến dịch tranh cử hao tốn hàng triệu đôla.
Cuối tháng 10 vừa qua, tờ Sputnik (Nga) dẫn lại thông cáo báo chí do nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Chính trị Phản ứng (CRP) công bố cho thấy các ứng viên và các đảng phái tại Mỹ đã và đang chi tới hơn 6,6 tỉ USD cho các chiến dịch tranh cử chạy đua vào Nhà Trắng - con số được đánh giá là kỷ lục trong lịch sử bầu cử Mỹ.
Khó trách trong một cuộc chơi lớn như thế, Jill Stein hay Gary Johnson trở nên mờ nhạt. Họ như những vận động viên đã sớm thất bại trước những tay đua kỳ cựu, “mạnh gạo bạo tiền” và có sức ảnh hưởng lan rộng như bà Clinton hay ông Trump. Dẫu vậy, đến lúc này họ vẫn là vận động viên Marathon miệt mài tìm về đích.
Tôi từng đọc ở đâu đó câu chuyện về “vẻ đẹp của những vận động viên về cuối trên đường đua Marathon”. Đó là một vẻ đẹp của nghị lực và tinh thần không bỏ cuộc. Tạm bỏ qua những tranh luận về chính sách, những vận động viên về cuối trên đường đua tổng thống Mỹ cũng mang trên mình vẻ đẹp riêng đáng trân trọng, không chỉ ở khía cảnh chính trị, cách theo đuổi ước mơ và thổi hy vọng vào một nhóm người thiểu số trong xã hội.
Hàng ngàn cử tri như David G. Embrick, Mailyng Blair, Pedro A. Regalado vẫn đang dõi theo họ hoàn thành đường đua khi đối thủ đã gần chạm cửa Nhà Trắng ở xứ sở Cờ Hoa. Đó là một "thất bại", với tôi, là rất đáng trân trọng.