Vào ngày 2-6, ông Lý Huy - Đặc phái viên Trung Quốc (TQ) về các vấn đề châu Âu - châu Á nhận định “rất khó” để tất cả các bên ngồi vào bàn đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng ông tin cánh cửa hòa đàm vẫn chưa đóng hoàn toàn, theo tờ South China Morning Post.
Ông Lý Huy - Đặc phái viên Trung Quốc (TQ) về các vấn đề châu Âu - châu Á. Ảnh: REUTERS |
Phát biểu trước báo chí sau khi kết thúc chuyến công du châu Âu 12 ngày nhằm hòa giải xung đột Nga - Ukraine vào tháng trước, ông Lý nhận định vẫn còn nhiều “điều chưa chắc chắn”, song nói rằng TQ sẵn sàng cử thêm một phái đoàn khác trong tương lai.
“Trong tình hình hiện nay, tôi cho rằng tất cả các bên khó mà ngồi xuống để đàm phán có kết quả. Tuy nhiên miễn là còn một tia hy vọng cho hòa bình thì chúng ta cũng nên tích cực hướng về nó” - ông Lý nhận định.
Ông cũng nhấn mạnh: “TQ sẵn sàng làm bất cứ điều gì có lợi để giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy đàm phán”.
Vào tháng 5 vừa qua, ông Lý đã gặp hàng loạt quan chức cấp cao của các nước Ukraine, Nga, Ba Lan, Đức và Pháp để trình bày lập trường của TQ về cách thức chấm dứt xung đột cũng như tìm kiếm cách thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ông Lý nói rằng tất cả các bên đều hoan nghênh những nỗ lực của TQ trong việc giải quyết cuộc xung đột, đồng thời lưu ý "những hiểu biết chung” giữa Moscow và Ukraine chẳng hạn cả hai đều mong muốn về một giải pháp chính trị.
“Ấn tượng của tôi là không bên nào muốn đóng cánh cửa hòa bình” - ông Lý cho hay.
Bắc Kinh đã phải đối mặt hàng loạt chỉ trích từ các nước phương Tây, nói rằng Bắc Kinh chưa nỗ lực đủ để thúc đẩy Moscow hướng tới một giải pháp hòa bình cho xung đột. Trong khi đó, TQ vẫn khẳng định nước này đang tích cực thúc đẩy hòa bình.
Bất chấp những nỗ lực trên, giới quan sát chỉ lạc quan ở mức vừa phải về kết quả thực tế mà TQ có thể đạt được. Nguyên nhân chủ yếu là vì phương Tây và Ukraine hoài nghi về sự trung lập của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba (trái) và Đặc phái viên Trung Quốc về các vấn đề châu Âu - châu Á Lý Huy. Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO TRUNG QUỐC |
Cũng trong buổi họp báo trên, Đặc phái viên TQ bày tỏ quan ngại về những rủi ro đối với các cơ sở hạt nhân trong khu vực như nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (tỉnh Zaporizhia), nhấn mạnh rằng nếu có một thảm họa hạt nhân xảy ra thì “không ai thoát ra mà không bị thiệt hại".
“Tất cả các bên phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạt nhân và có hành động cụ thể để hạ nhiệt tình hình” - ông Lý nói.
Trước đó, vào ngày 30-5, ông Rafael Grossi - Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói rằng cả Ukraine và Nga đều không đồng ý với kế hoạch 5 điểm để bảo vệ cơ sở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, đồng thời cảnh báo rằng tình hình hiện nay là "cực kỳ mong manh và nguy hiểm".
Kế hoạch 5 điểm gồm: (1) Không được tấn công vào hoặc từ nhà máy; (2) Không được đặt vũ khí hạng nặng như bệ phóng tên lửa, hệ thống pháo và đạn dược, xe tăng hoặc bố trí quân nhân ở nhà máy; (3) Cung cấp điện từ bên ngoài vào nhà máy để đảm bảo sự an toàn và sẵn có cho nhà máy; (4) Đảm bảo tất cả các hệ thống thiết yếu của nhà máy được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công hoặc phá hoại; (5) Không gây ra bất kỳ hành động nào làm suy yếu các nguyên tắc này.