Các nhà khoa học thuộc ĐH Harvard (Mỹ) cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể tái bùng phát vào năm 2024, báo South China Morning Post ngày 16-4 đưa tin.
Nhóm năm chuyên gia thuộc Trường Y tế công Harvard T.H. Chan đã nghiên cứu các kịch bản lây nhiễm của COVID-19, xác định phương pháp điều trị và điều trị can thiệp đối với các bệnh nhân đã nhiễm bệnh.
Nhóm mong muốn kết quả nghiên cứu có thể giúp giảm áp lực lên các cơ sở điều trị đặc biệt và đưa ra thêm các lựa chọn biện pháp kiểm soát dịch bệnh nếu COVID-19 còn kéo dài.
Người dân thủ đô Tokyo vẫn được phép sử dụng tàu điện ngầm để đi làm trong thời gian địa phương này áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp. Ảnh: AFP
Ngày 14-4, Science - tạp chí thẩm định thuộc Hiệp hội Vì sự phát triển khoa học Mỹ (AAAS) - đã đăng tải báo cáo nghiên cứu trên.
Virus có thể sinh sôi trong bất kỳ mùa nào
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu của Mỹ về hai loại virus Corona đã xuất hiện trước đây để dựng lên quỹ đạo lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 trong một loạt các kịch bản khác nhau về những thay đổi theo mùa và thời hạn miễn dịch.
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào có thể khẳng định con người có bị tái nhiễm COVID-19 sau khi đã được chữa khỏi hay không.
Nếu con người không được miễn dịch hoàn toàn sau khi nhiễm SARS-CoV-2, virus có thể xuất hiện theo quỹ đạo lây nhiễm thường xuyên. Trong trường hợp ngược lại, virus sẽ biến mất sau ít nhất là năm năm nữa.
Tất cả kịch bản đều cho thấy virus có thể "sinh sôi ở bất kỳ thời gian nào trong năm".
Báo cáo khuyến cáo các nước có thể cần kéo dài "liên tục hoặc gián đoạn" các biện pháp giãn cách xã hội đến năm 2022 trừ khi giới khoa học tìm ra được vaccine hoặc phác đồ điều trị hiệu quả hoặc năng lực điều trị đặc biệt của các cơ sở y tế được tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, "thậm chí trong trường hợp dịch bệnh rõ ràng đã bị loại bỏ, việc giám sát virus SARS-CoV-2 nên được duy trì vì một đợt tái bùng phát có thể xảy ra vào năm 2024".
Các biện pháp giãn cách xã hội hiệu quả có thể giúp ích nhiều
Các quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp giãn cách xã hội như hạn chế tụ tập đông người, đóng cửa trường học và giảm các hoạt động không thiết yếu.
Báo cáo cũng cho biết với kinh nghiệm thực tế tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore, các biện pháp giãn cách mạnh mẽ và hiệu quả có thể cho phép thực hiện toàn diện việc cách ly và truy vết người tiếp xúc gần, từ đó giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế.
Người dân New York thực hiện giãn cách khi xếp hàng mua hàng ở một cửa tiệm tạp hóa. Ảnh: AFP
"Các chiến lược giãn cách có thể giảm mức độ quá tải mà sự lây nhiễm SARS-CoV-2 gây ra đối với hệ thống y tế" - báo cáo viết.
"Chúng tôi lưu ý rằng có thể thấy trước được gánh nặng tiềm tàng lên hệ thống y tế nếu việc giãn cách kém hiệu quả và/hoặc không được duy trì liên tục đủ lâu".
Tuy nhiên, các biện pháp này cũng gây ra nhiều hệ quả về kinh tế và xã hội, khiến nhiều nước đang tính tới chuyện nới lỏng các quy định này.
Sau hai tháng áp dụng, Trung Quốc đã chính thức dỡ bỏ các lệnh phong tỏa ở TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) - nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên trên thế giới.
Hầu hết các địa phương ở Trung Quốc đã dỡ bỏ hoặc nới lỏng các lệnh hạn chế sau khi chính quyền Bắc Kinh tuyên bố đã đạt được thắng lợi đầu tiên trong việc kiểm soát dịch bệnh.
Ở châu Âu, nhiều nước đang dần nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội để tái khởi động nền kinh tế, song chưa nói rõ khi nào thì mọi sinh hoạt kinh tế-xã hội trở lại bình thường.
Ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump tỏ ra lạc quan về khả năng dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội. Hôm 14-4, ông Trump nói thời điểm thích hợp đang đến "rất, rất gần", "thậm chí là trước ngày 1-5". Trong kế hoạch mới nhất công bố ngày 16-4, ông đề xuất thống đốc các bang áp dụng lộ trình ba giai đoạn để từng bước khôi phục lại nền kinh tế.
Đến 5 giờ 45 phút chiều 17-4, dịch COVID-19 đã lây lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây bệnh ở ít nhất 2.193.580 người và khiến 147.379 người tử vong, theo chuyên trang thống kê Worldometer.