Chiều 9-10, nhiều đơn vị của TP Đà Nẵng do ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì đã có buổi đối thoại với người dân sống xung quanh khu vực bãi rác Khánh Sơn (thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu).
Bãi rác Khánh Sơn gây ô nhiễm. Ảnh: HẢI HIẾU
Buổi đối thoại này thực hiện theo lời hứa của lãnh đạo quận, TP vào ngày 22-9 khi người dân khu vực chặn xe rác không cho vào bãi. Do người dân phản đối việc bãi rác gây ô nhiễm, mùi hôi nồng nặc khiến nhiều người phải đưa con trẻ đi nơi khác để ở.
Tại buổi đối thoại, hàng loạt ý kiến của người dân tỏ ra bức xúc về vần đề ô nhiễm tại đây. Nhiều năm qua, họ phải sống chung với ô nhiễm môi trường, đặc biệt là mùi hôi thối. Thâm chí có người còn ý kiến đề nghị lãnh đạo TP về ở cùng để thấu hiểu nỗi khổ của người dân.
Ông Nguyễn Đức Trung bức xúc vì ô nhiễm. Ảnh: HẢI HIẾU
Nêu ý kiến tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Đức Trung (tổ 70, phường Hòa Khánh Nam), mở đầu bằng việc nêu đại ý ai cũng có quyền được sống, ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc. Thế nhưng ông và người dân xung quanh bãi rác không có quyền được sống bình thường vì ô nhiễm.
“Chúng tôi đã sống trong tình trạng ô nhiễm này suốt 28 năm. Nhiều lần phản ánh thì TP có hứa sẽ đóng cửa bãi rác. Ngày đóng cửa chưa biết khi nào, thế nhưng ngày nào chúng tôi cũng phải sống chung với mùi hôi thối” - ông Trung tỏ ra bức xúc.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng TP cần có biện pháp lâu dài về vấn đề xử lý mùi hôi và xử lý nước rò rỉ ra khu dân cư. Cần xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường, không thể để ảnh hưởng đến biển Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Hồ Văn Sơn (ngụ khu dân cư 5 Đà Sơn) cho rằng cần phải truy trách nhiệm những người làm việc trong công ty xử lý rác. Và cần phải đền bù, giải tỏa thỏa đáng cho những hộ dân làm nông nghiệp bị ảnh hưởng do tác động của bãi rác. Cần phải có sự vào cuộc của ngành y tế vì người dân xung quanh bãi rác luôn sống trong ô nhiễm.
“Chúng tôi không đồng tình với việc khi ô nhiễm quá chịu không nổi thì mọi người ra chặn xe, lúc đó việc xử lý mùi hôi mới tạm giảm bớt nhưng khi lãnh đạo TP về thì lại đâu vào đấy. Chúng tôi cần một biện pháp lâu dài và thường xuyên của các cấp, các ngành” - ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Hồ Văn Sơn đề nghị xử lý dứt điểm ô nhiễm. Ảnh: HẢI HIẾU
Tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Đình Anh, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, cho biết về nguyên nhân gây mùi hôi từ bãi rác. Cụ thể, hơn 300 người mưu sinh bằng việc bới rác mỗi ngày, phạm vi đổ rác quá rộng khiến việc xịt và xử lý mùi không thể phủ hết. Khi mưa xuống rửa trôi thuốc khử mùi nhưng những công nhân có trách nhiệm không xịt lại, chậm xử lý bùn thải đổ trên bãi,...
Sau khi xác định nguyên nhân, Sở TN&MT TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp xử lý triệt để mùi và nước thải. Sắp tới cũng có biện pháp lâu dài để không xảy ra tình trạng mùi hôi tương tự.
“Chúng tôi đã có nhiều văn bản kiến nghị, đốc thúc các đơn vị liên quan để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm không để ảnh hưởng đến người dân như: Làm đường mới vận chuyển rác, xây dựng hệ thống kênh mương thoát nước…” - ông Đình Anh cho hay.
Đại diện lãnh đạo TP tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết qua khảo sát ông đã thấu hiểu được nỗi khổ của người dân sống cạnh bãi rác. Ông đề nghị Sở TN&MT cần phải xử lý nghiêm cán bộ tắc trách để xảy ra việc ô nhiễm này. Về lâu dài, UBND sẽ đôn đốc việc các đơn vị liên quan xây dựng một quy trình rõ về việc xử lý rác thải.
“Quy trình này sẽ được công khai, công ty môi trường sẽ dựa theo đó mà thực hiện. Người dân có thể giám sát những người thừa hành thực hiện quy trình này” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cho biết thêm sẽ trình HĐND xem xét kiến nghị của UBND quận Liên Chiểu về việc tăng thêm mức hỗ trợ cho những người dân sống bị ảnh hưởng từ bãi rác như hỗ trợ nước sinh hoạt, miễn học phí, xây dựng khu vui chơi giải trí…