Trong khi người Mỹ được yêu cầu giữ khoảng cách với nhau để tránh lây nhiễm COVID-19 thì những người trên các chuyến bay từ châu Âu trở về Mỹ nói rằng họ đang ken nhau sát hằng giờ liền tại các sân bay để được kiểm tra y tế.
Hai hành khách nói với đài CNN rằng khi họ đến TP Dallas (bang Texas), TP Chicago (bang Illinois) và New York, họ phải đối mặt với tình trạng đông đúc, xếp hàng dài và hỗn loạn. Tại một sân bay ở New York, có hai hành khách cho biết họ bị hoảng khi các quan chức sân bay đề nghị họ dùng chung bút để điền vào tờ khai hải quan và y tế.
Hành khách mệt lử trở về từ Mỹ được “đón chào” bởi hàng dài người chờ kiểm tra y tế tại các sân bay. Ảnh: AP
Xếp hàng ít nhất 5 giờ ở khoảng cách rất gần
Cô Karen Rogers, một hành khách trở về từ Paris (Pháp) và quá cảnh tại London (Anh), đã phải xếp hàng chờ ít nhất 5 giờ đồng hồ để được kiểm tra tại sân bay quốc tế O’Hare của TP Chicago, bang Illinois.
Thủ tục hải quan tại sân bay O’Hare yêu cầu hành khách “phải đi qua hải quan hai lần” - hành khách Ann Lewis Schmidt trở về từ Iceland cho biết.
Cô Schmidt cho hay đầu tiên hành khách phải xếp hàng để chờ kiểm tra hộ chiếu và điền vào tờ khai y tế đối với những người trở về từ châu Âu, Hàn Quốc, Iran và Trung Quốc. Sau đó họ được đưa tới một hàng riêng để kiểm tra và đo thân nhiệt. Trong quá trình làm thủ tục, hành khách được tập trung lại cùng một nhóm trong nhiều giờ.
“Có vẻ ngược ngạo, nếu có ai đó phát sốt thì họ lẽ ra không bao giờ được phép đứng vào những hàng này trong 4 giờ đồng hồ” - cô Schmidt nói với CNN.
Cô mô tả “hành khách đứng rất gần nhau… vì vậy nếu chúng tôi không nhiễm virus trước đó thì bây giờ cũng có nguy cơ bị nhiễm”.
Đài CNN đã liên hệ sân bay O’Hare nhưng không nhận được phản hồi ngay lập tức.
Hành khách được yêu cầu dùng chung bút
Tại sân bay quốc tế John F.Kennedy (JFK) ở New York, hành khách cũng đối diện với tình trạng xếp hàng dài chờ kiểm tra y tế.
Hàng ngàn người tập trung tại sân bay quốc tế O’Hare ở TP Chicago, bang Illinois (Mỹ). Ảnh: TWITTER
Cô Katelyn Deibler đáp xuống sân bay JFK từ thủ đô Kiev (Ukraine) vào chiều 14-3 và mất hơn 2 giờ mới hoàn thành thủ tục hải quan.
Cô cho biết khi đến sân bay, cô được đưa cho hai biểu mẫu để điền thông tin vào. “Tờ đầu tiên là điền tên, số hộ chiếu, số chuyến bay, chỗ ngồi, địa chỉ, liên lạc khẩn cấp và chi tiết về chuyến đi” - cô Deibler nói.
Tờ thứ hai là những câu hỏi cụ thể về các triệu chứng và có đi đến các vùng dịch hay không. Biểu mẫu này yêu cầu hành khách khai báo những đất nước mà họ đã đi trong 14 ngày gần đây nhất và hỏi họ có bất kỳ triệu chứng nào như sốt, ho hay khó thở không, cô Deibler nói thêm.
Cô nói tiếp vì không có đủ biểu mẫu cho tất cả hành khách trên chuyến bay nên nhiều người đã phải chờ để có tờ khai y tế.
“Họ không có bút và bảo chúng tôi dùng chung bút. Nghe như đây là một điều tuyệt vời giữa đại dịch vậy” - cô nói. Ông Nick Carlin - một hành khách khác, đã bày tỏ lo ngại chuyện các hành khách được yêu cầu dùng chung bút.
Ông Carlin nói rằng không có chất khử trùng tay tại JFK. CNN dẫn lời một nguồn tin thông thạo việc kiểm tra y tế tại JFK cho hay có ít nhất vài hành khách đã được đưa tới bệnh viện sau khi được kiểm tra y tế tại đây.
Xếp hàng tại sân bay Dallas-For Worth hơn 3 giờ đồng hồ. Ảnh: TWITTER
Ông Frank Russo, Giám đốc cảng JFK, cho biết thời gian chờ trung bình để kiểm tra y tế là 2 giờ đồng hồ. Có hơn 50 kỹ thuật viên y tế khẩn cấp được bổ sung để hỗ trợ đội ngũ CDC.
Khi được hỏi về những phàn nàn của hành khách tại sân bay thiếu chất khử trùng tay, ông Russo cho hay tại các nhà ga có chất khử trùng tay và các sĩ quan đã hướng dẫn hành khách. Ông Russo đã yêu cầu cảng vụ của New York và New Jersey - đang vận hành sân bay JFK - bố trí thêm chất khử trùng tay tại các khu vực có hành khách chờ.
Khách cần kiểm tra COVID-19 xen lẫn khách không cần kiểm tra
Vừa đáp xuống sân bay quốc tế Dallas-For Worth, cô Kimberly Harris chứng kiến tình trạng hành khách đang ở trong hàng chờ CDC sàng lọc lại bỏ hàng đợi mà đi qua hàng những hành khách quốc tế không cần sàng lọc. Cô Harris trở về Mỹ từ Johannesburg (Nam Phi) thông qua London (Anh).
Cô Harris nhìn dòng người chờ làm thủ tục hải quan dày thêm và bọc xung quanh toàn bộ sàn nhà và nói: “Thật khó để biết dòng người bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu”.
Cô Harris đã mất 3 giờ đồng hồ mới hoàn thành xong thủ tục kiểm tra hộ chiếu và hải quan, cô cho biết.
Ông Matthew Thomas - một hành khách khác đến sân bay quốc tế Dallas-For Worth hôm 15-3 từ Thái Lan và thông qua Doha (Qatar) cũng đã mô tả cảnh tượng tương tự.
Dòng người chờ kiểm tra COVID-19 không được tách bạch với những hành khách quốc tế khác. Cả Thomas và Harris đều không thuộc trường hợp yêu cầu kiểm tra y tế.
“Những thủ tục nâng cao bắt buộc này là một phần trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus Corona. Các thủ tục bổ sung cần thiết có thể gây ra sự chậm trễ trong việc xử lý thủ tục hải quan nhưng có tầm quan trọng vô cùng đối với sức khỏe và an toàn cho mọi người” - tuyên bố của sân bay Dallas-For Worth cho biết.
Nhà chức trách cũng không "chấp nhận được"
Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) cho biết những hành khách nào vượt qua kiểm tra y tế tại sân bay sẽ được hướng dẫn tự cách ly ngay tại nhà và giám sát sức khỏe của họ theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.
Ngày 14-3, ông Mark Morgan - Cục trưởng Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP), cho biết CBP nắm được thông tin dòng người xếp hàng dài tại các sân bay và đang giải quyết những sự chậm trễ này. Ông Morgan nhấn mạnh rằng sự an toàn và sức khỏe của hành khách là ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, đến ngày 15-3 ông Morgan thừa nhận: “Thời gian chờ đợi diễn ra tại một số địa điểm ngày hôm qua là không thể chấp nhận được”.
Xếp hàng dài tại sân bay Amsterdam Schiphol ở Hà Lan sau khi tổng thống Mỹ thông báo cấm đi lại đối với châu Âu. Ảnh: GETTY
Theo ông Morgan, các đối tác của CBP hiện phải căng mỏng nguồn lực và CBP vẫn phải hoàn thành các nhiệm vụ an ninh quốc gia, chống ma túy và các nhiệm vụ khác.
“Với tình trạng khẩn cấp của quốc gia này, thật không may sẽ có những lần gián đoạn và gia tăng thời gian xử lý cho hành khác. CBP đang làm việc suốt ngày đêm để giảm thiểu những bất tiện này” - ông Morgan nói.
Chính quyền địa phương yêu cầu chính phủ liên bang hành động
Theo CNN, Thống đốc bang Illinois - ông J.B. Pritzker, yêu cầu chính quyền liên bang hành động.
Ông Pritzker đã phản ứng với thông tin hành khách xếp hàng dài chờ kiểm tra y tế tại sân bay trong nhiều giờ bằng dòng Twitter: “Chính phủ liên bang cần hợp tác cùng nhau ngay bây giờ”.
Trả lời đài NBC, ông Pritzker cho hay ông đang làm việc với Thị trưởng Chicago Lori Lightfoot cùng các nhà lập pháp Illinois để hối thúc chính phủ liên bang hành động để giảm bớt các vấn đề tại sân bay O’Hare.
“Trong thông báo cấm đi lại đối với châu Âu, chính phủ nên tăng cường số lượng các quan chức hải quan và CDC tại các sân bay nhưng họ đã chẳng làm gì cả” - ông nói với NBC.
“Đêm qua, khi mọi người tràn vào sân bay O’Hare, họ đã mắc kẹt trong một khu vực nhỏ - hàng trăm và hàng trăm người - và đó chính xác là những gì các bạn không muốn trong đại dịch này. Hôm nay, nó sẽ còn tồi tệ hơn nữa. Có một lượng lớn chuyến bay chở thêm người đang tới và họ có vẻ hoàn toàn không chuẩn bị” - ông nói.
Trên một dòng Twitter, Quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Chad Wolf đã thừa nhận tình trạng hành khách phải xếp hàng dài và hỗn loạn tại các sân bay.
"Bộ An ninh nội địa đã nắm thông tin về tình trạng hành khách xếp hàng dài vì những quy định kiểm tra y tế được thắt chặt. Hiện chúng tôi đang tìm cách bổ sung năng lực kiểm tra và làm việc với các hãng hàng không để đẩy nhanh quy trình" - ông Wolf cho biết.
"Tôi hiểu tình cảnh hiện nay vô cùng áp lực. Trong giai đoạn chưa từng có tiền lệ như hiện nay, chúng tôi mong các bạn kiên nhẫn. Thường thì nhân viên y tế mất khoảng 60 giây để kiểm tra một hành khách. Chúng tôi sẽ cải thiện năng lực kiểm tra nhưng sức khỏe và sự an toàn cộng đồng của người Mỹ vẫn là ưu tiên hàng đầu" - ông Wolf nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo những công dân nước ngoài tại 26 nước châu Âu sẽ bị cấm đi vào Mỹ trong vòng 30 ngày. Ireland và Anh sẽ được bổ sung vào danh sách này vào giữa đêm 16-3.
Lệnh cấm trên có hiệu lực vào giữa đêm 13-3 nhưng ngay sau khi có thông báo hôm 11-3, các sân bay châu Âu đã rơi vào hỗn loạn khi người Mỹ tìm cách trở về nhà.
Chưa biết tình trạng có được can thiệp gì không, trước mắt Tổng thống Trump hôm 15-3 yêu cầu những người mắc kẹt tại các sân bay kiên nhẫn: “Chúng tôi đang thực hiện kiểm tra y tế nghiêm ngặt tại các sân bay. Xin lỗi vì sự gián đoạn và chậm trễ, chúng tôi đang làm nhanh nhất có thể nhưng điều quan trọng là chúng tôi phải chú ý và cẩn thận. Chúng tôi phải làm cho đúng. An toàn trên hết!”.