Bộ Kế hoạch & đầu tư vừa có báo cáo tổng hợp bước đầu về kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và lãnh đạo CP trong việc giúp đỡ, hỗ trợ các DN khắc phục thiệt hại do các hoạt động quá khich vừa qua ở Bình Dương, Hà Tĩnh và một số tỉnh thành.
Lê Văn Hiếu, Trần Đức Phú, Trần Đức Dư và Bùi Văn Nguyên, các nghi can không phải là công nhân tham gia vụ gây rối, đốt phá, trộm cắp… Ảnh: NĐ
Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao phản ứng của CP
Theo báo cáo, cho đến nay, sau chín ngày triển khai quyết liệt các biện pháp khẩn cấp, niềm tin đã trở lại với các nhà đầu tư. Thông tin phản hồi mà một số cơ quan ngoại giao của VN ở Mỹ, Singapore, Đài Loan... thu thập được cho thấy phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao cách xử lý của VN, cho rằng hiệu quả tích cực.
Cộng đồng các nhà đầu tư đánh giá cao và cảm ơn những nỗ lực của CP, các bộ, ngành và địa phương trong việc sớm ổn định tình hình và khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN bị thiệt hại.
Một số quốc gia, hiệp hội, nhà đầu tư như Singapore, Phòng Thương mại công nghiệp Đức, Amcharm, Eurocharm... lúc đầu có lo lắng, đã gửi thư cho Bộ Kế hoạch & đầu tư, nhưng qua việc xử lý tích cực của phía VN, họ đã yên tâm hơn. Thậm chí, có nhà đầu tư Nhật Bản nhận xét là hai năm trước, ở TQ từng xảy ra các vụ đập phá cơ sở SXKD của Nhật, nhưng chính quyền sở tại không hề có giải pháp nào hỗ trợ DN. Trong khi đó, VN làm tốt hơn nhiều.
Ngăn chặn kịp thời các diễn biến phức tạp
Về tình hình thực tế các DN bị ảnh hưởng, thiệt hại, Bộ Kế hoạch & đầu tư cho biết việc tuần hành, phản đối TQ vừa qua xuất hiện ở hơn 20 địa phương. Tuy nhiên chỉ có ba tỉnh xảy ra các vụ việc quá khích, phá hoại nghiêm trọng là Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh. Ở ba tỉnh này, hoạt động XNK bị gián đoạn 3-4 ngày mới trở lại bình thường. Các địa phương còn lại, do làm tốt công tác dự báo, bám sát địa bàn, phổ biến tuyên truyền và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, nên không có diễn biến phức tạp.
Ở ba tỉnh bị nặng nhất, thống kê cho thấy có hàng trăm DN bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau, nhưng phần lớn thiệt hại không nhiều. Chỉ có khoảng 30 DN bị thiệt hại nặng, phần lớn là của nhà đầu tư Đài Loan. Trong số này, khoảng 20 DN bị đập phá dây chuyền sản xuất, chưa thể hoạt động trở lại, ảnh hưởng trực tiếp tới hàng ngàn lao động.
Xuất nhập khẩu với TQ ít ảnh hưởng
Theo Bộ Kế hoạch & đầu tư, các vụ việc vừa qua đã gây tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng trực tiếp nhất là các nhà đầu tư từ TQ, Đài Loan. Hệ quả có thể gây suy giảm đầu tư mới và trì hoãn các dự án đang thực hiện của TQ. Đầu tư của TQ chỉ chiếm khoảng 3.2% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào VN, nên mức độ ảnh hưởng sẽ không lớn. Song lao động làm tại các DN của TQ lại tới hơn 113.000 người, nên mối lo lớn nhất chính là công ăn việc làm của công nhân và các vấn đề XH kèm theo.
Riêng Đài Loan lại là nhà đầu tư lớn, đứng thứ tư về đầu tư nước ngoài vào VN, với hơn 2.300 dự án, vốn đăng ký 27,4 tỷ USD. Nhưng nhà đầu tư Đài Loan lại chịu thiệt hại nặng nhất trong một số vụ quá khích vừa qua. Do vậy, Thủ tướng đã kịp thời có trao đổi trực tiếp với những nhà đầu tư lớn Đài Loan, đồng thời Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã dẫn đoàn công tác của CP sang làm việc với một số cơ quan của CP Đài Loan khẳng định các cam kết cũng như giải pháp của VN với các DN bị thiệt hại.
Về quan hệ thương mại với TQ, Bộ Kế hoạch & đầu tư dự báo nếu trong nước giữ được ổn định và không có đột biến thì hoạt động XNK hàng hóa với TQ đến hết năm vẫn duy trì được mức như năm 2013 với tương quan kim ngạch xuất khẩu 12-13 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 36-37 tỷ USD.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực du lịch sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các vụ việc quá khích vừa qua kết hợp với cách tuyên truyền bôi nhọ của TQ đã dẫn tới những khuyến cáo người TQ không nên sang VN vì lý do an ninh. Với diễn biến ấy, dự báo số lượng khách du lịch TQ năm 2014 sẽ chỉ đạt khoảng 850 ngàn lượt người, giảm 45% so với năm trước. Khách từ các thị trường Đài Loan, Hongkong cũng giảm mạnh, còn khoảng 150 ngàn lượt người, giảm 38% so với 2013.
NGHĨA NHÂN