Tờ South China Morning Post đưa tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26-10 đã yêu cầu sáu cơ quan truyền thông Mỹ có các chi nhánh hoạt động ở Trung Quốc phải báo cáo cho chính phủ nước này các thông tin về họ.
Theo đó, trong vòng bảy ngày, sáu cơ quan truyền thông của Mỹ có chi nhánh tại Trung Quốc phải báo cáo cho chính phủ Bắc Kinh các thông tin về nhân sự, tài chính và bất động sản.
Sáu cơ quan truyền thông Mỹ bị Bắc Kinh siết hoạt động gồm: American Broadcasting Corporation (ABC), Los Angeles Times, Newsweek, Feature Story News, Bureau of National Affairs (hay còn gọi là Tập đoàn Công nghiệp Bloomberg) và Minnesota Public Radio (MPR).
Động thái trên của phía Trung Quốc nhằm trả đũa việc Washington hôm 21-10 đã đưa sáu cơ quan truyền thông Bắc Kinh vào danh sách cơ quan chính phủ Trung Quốc, buộc nhân viên của họ đăng ký như phái viên nước ngoài.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giải thích động thái này nhằm đảm bảo người dân Mỹ có thể phân biệt giữa tin tức do “báo chí tự do” viết với “thông tin tuyên truyền” do những cơ quan truyền thông này đăng tải.
Đáp trả Mỹ, Trung Quốc siết hoạt động của sáu cơ quan truyền thông Mỹ. Ảnh: SIMON SONG
“Hành động của Mỹ đã làm tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng và khả năng hoạt động của các cơ quan truyền thông Trung Quốc” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói, đồng thời nhấn mạnh rằng các biện pháp của Mỹ đã “can thiệp nghiêm trọng vào hoạt động trao đổi văn hóa Trung - Mỹ”.
Một đại diện của MPR xác nhận rằng hãng đã nhận được yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến văn phòng tại Thượng Hải sản xuất chương trình "Marketplace".
Bộ Ngoại giao Mỹ và các hãng truyền thông khác hiện chưa đưa ra bình luận liên quan vụ việc.
Trong số những cơ quan truyền thông Mỹ bị ảnh hưởng, một số gần đây đã xuất bản các bài viết về các vấn đề nhạy cảm ở Trung Quốc, bao gồm một hồ sơ chuyên sâu của Los Angeles Times thể hiện việc lên nắm quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trước đó, Newsweek đã đăng một bài điều tra liên quan những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ra bất ổn xã hội ở Mỹ trước cuộc bầu cử sắp tới.
Thông báo hôm 26-10 của Bắc Kinh là động thái mới nhất trong một loạt các biện pháp ăn miếng trả miếng trong nhiều tháng qua giữa hai bên nhằm hạn chế quyền tự do của phóng viên hai nước.
Mỹ ngày 21-10 đã liệt sáu cơ quan truyền thông Trung Quốc có chi nhánh tại Mỹ vào danh sách "thực thể nước ngoài", gồm Yicai Global, Jiefang Daily, Xinmin Evening News, Social Sciences in China Press, Beijing Review và Economic Daily.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 18-3 đã yêu cầu các phóng viên là công dân Mỹ của ba tờ báo The New York Times, The Washington Post và The Wall Strett Journal có giấy phép hoạt động báo chí hết hạn phải nộp lại trong vòng 10 ngày và sẽ không được phép tác nghiệp tại Trung Quốc, Hong Kong hay Macau.
Đây được coi là quyết định trục xuất phóng viên là công dân Mỹ của Trung Quốc sau khi Mỹ giảm số phóng viên cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc thường trú ở nước này từ 160 xuống còn 100.