Đề cử Ngoại trưởng Mỹ ủng hộ việc ông Trump rắn với Trung Quốc

Ông Antony Blinken, người được tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đề cử vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ, cam kết sẽ hồi sinh các quan hệ đồng minh truyền thống của Washington và xây dựng mặt trận thống nhất chống lại các đối thủ như Trung Quốc, Nga, Iran, Triều Tiên, hãng tin Reuters cho hay.

Tại phiên điều trần trước Thượng viện ngày 19-1, ông Blinken cho rằng nước Mỹ "có một nhiệm vụ lớn phía trước" là khôi phục và làm sống lại các quan hệ đồng minh truyền thống, lưu ý rằng đây là một "thách thức khó nhằn".

"Dựa vào (những gì đã diễn ra trong) vài năm gần đây, một số đồng minh và đối tác của chúng ta sẽ đặt câu hỏi về tính bền vững trong các cam kết của chúng ta" - ông Blinken giải thích trước Thượng viện Mỹ về thách thức này, chỉ trích đường hướng đối ngoại mà Tổng thống Donald Trump theo đuổi trong bốn năm qua. 

Ông Antony Blinken tại phiên điều trần ở Thượng viện hôm 19-1. Ảnh: REUTERS

Ông Blinken nhấn mạnh vai trò của Mỹ như một quốc gia lãnh đạo thế giới, cho rằng nếu thực sự ổn định và vững mạnh, Mỹ là nước có năng lực nhất trong việc giúp thế giới hướng tới những điều tốt đẹp hơn.

Theo ông Blinken, không nghi ngờ gì chuyện Trung Quốc là đối thủ đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng nhất đối với Mỹ.

Ông Blinken cho rằng chính quyền của ông Trump đã đúng khi theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc, dù cho bản thân ông Blinken không hoàn toàn đồng tình với các quyết định của ông Trump.

Ông Blinken tự tin bản thân có thể giúp nước Mỹ "vượt qua" một Trung Quốc đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Ông Blinken cũng cam kết "hồi sinh các liên minh cốt lõi" của Washington và gia tăng tầm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế, dẫn dắt đồng minh chống lại các những gì mà phương Tây cho là mối đe dọa từ Nga, Iran, Triều Tiên hay các mối đe dọa đối với các giá trị mà phương Tây theo đuổi.

Với những lo ngại đang gia tăng sau vụ biểu tình bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6-1, ông Blinken cho rằng nếu Thượng viện thông qua quyết định bổ nhiệm, ông "còn rất nhiều việc phải làm ở quê nhà để nâng cao vị thế của mình ở nước ngoài".

"Nếu chúng ta muốn nhận được sự ủng hộ của họ (tức là các đồng minh và đối tác của Mỹ) đối với sự lãnh đạo và sự cam kết của Mỹ trên thế giới, chúng ta phải chứng minh rằng những điều này đang thực sự cải thiện cuộc sống của họ hoặc đang ngăn chặn điều gì đó (có hại đối với họ)" - ông Blinken nói.

Theo nhận định của giới truyền thông, ông Blinken nhận được sự ủng hộ từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa và sẽ dễ dàng vượt qua buổi bỏ phiếu ở Thượng viện để chính thức trở thành ngoại trưởng tiếp theo của Mỹ. 

 

Trưa 20-1 theo giờ Mỹ, tức đêm cùng ngày theo giờ Việt Nam, ông Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew - một tổ chức nghiên cứu chính sách có trụ sở ở thủ đô Washington - người dân châu Âu đang khá kỳ vọng vào tổng thống thứ 46 của Mỹ.

Theo khảo sát được thực hiện từ ngày 12-11-2020 đến ngày 23-12-2020, 79% người Đức, 72% người Pháp và 65% người Anh (tham gia khảo sát) tin tưởng rằng ông Biden sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn trong các vấn đề toàn cầu. Trong một khảo sát tương tự hồi giữa năm 2020, tỉ lệ tin tưởng ông Trump ở ba nước này chỉ ở mức 10-20%.

Dù vậy, 73% người Đức, 64% người Pháp và 62% người Anh cho rằng hệ thống chính trị Mỹ cần có những thay đổi lớn hoặc được triệt để cải tổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới