Sáng 21-8, ông Võ Khánh Hưng (Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM) và cán bộ các phòng chuyên môn của sở này cho biết sau 20 ngày thu phí đỗ xe nơi lòng đường, vỉa hè lũy tiến theo giờ, đến nay việc này đã mang lại hiệu quả đường thông hè thoáng. Tới đây, TP sẽ mở rộng thu phí ở nhiều tuyến đường, khu vực khác, đồng thời sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc về xử phạt các hành vi đỗ xe nhưng không thanh toán, đỗ quá giờ, cản trở đỗ xe đúng nơi quy định…
Thông thoáng hơn ở 23 tuyến đường
Về việc thu phí đỗ xe lũy tiến theo giờ được thực hiện từ ngày 1-8, ông Võ Khánh Hưng đánh giá bước đầu đã tạo được sự thông thoáng ở 23 tuyến đường thí điểm thuộc các quận 1, 5 và 10; góp phần kéo giảm ùn tắc ở các khu vực, tuyến đường cận kề.
“Từ đó cũng đã phát huy được đúng công năng của lòng đường, vỉa hè; tình trạng đậu xe né đóng phí, đỗ lì, chiếm dụng mặt đường đã giảm. Cũng qua đây từng bước tạo thói quen sử dụng công nghệ của người dân trong các dịch vụ công cộng, không sử dụng tiền mặt và tạo đà tiến tới xây dựng TP thông minh...” - ông Hưng nói.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác giao thông đường bộ, cho biết qua thu phí đỗ xe lũy tiến theo giờ đã tạo thói quen tìm chỗ đỗ xe phù hợp ở người lái, chủ xe, không còn đậu tràn lan ngoài đường. Về việc ba quận thu phí được khoảng 11 triệu đồng/ngày (khi thực hiện thu theo lượt 5.000 đồng/lượt/xe thì tổng số thu/ngày cũng khoảng 11 triệu đồng - PV), ông Đường cho rằng tổng thu/ngày còn thấp so với đề án là 220 triệu đồng/ngày nhưng đó không phải là mục tiêu chính của dự án mà cái chính là tạo đường thông hè thoáng.
Nhiều điểm đỗ xe không thu phí gần bệnh viện, trường học đã bị lợi dụng biến thành nơi đỗ xe… cả ngày. Ảnh: LƯU ĐỨC
Ông Đường cũng cho biết Sở GTVT TP hiện rà soát lại các tuyến đường đang tổ chức thu phí theo lượt hoặc tổ chức đỗ xe nhưng không thu phí để mở rộng thu phí theo giờ. “Có nhiều điểm đỗ xe trên đường, vỉa hè của nhiều quận không thu phí nhằm mục đích nhân văn như ở nơi gần bệnh viện, trường học... đã bị tài xế, chủ xe lợi dụng biến thành nơi đỗ xe cả ngày. Do đó Sở GTVT sẽ cùng các quận, phường rà soát lại để đưa vào diện điểm, tuyến đỗ xe có thu phí theo giờ” - ông Đường khẳng định.
Về kỹ thuật, công nghệ đóng phí, ông Đường cho biết Sở GTVT TP đã đề nghị nhà cung cấp dịch vụ phải mở rộng các tiện ích thanh toán liên thông giữa các nhà mạng Viettel với VinaPhone, MobiFone hoặc theo tiện ích chuyển tiền MoMo, liên thông với các ngân hàng mà tài xế, chủ xe có sẵn tài khoản để trừ chi phí.
Sẽ tăng mức phạt
Về chế tài với các hành vi đỗ xe không trả tiền, đỗ xe quá số giờ so với số tiền đã trả, cản trở việc thu phí theo giờ..., ông Đường cho biết Sở GTVT TP sẽ có đề xuất lên UBND TP để trình với HĐND TP sử dụng cơ chế đặc thù của TP để ra quy định, hình thức xử phạt và mức phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm về đỗ xe, trả phí theo giờ.
Trước đó, báo cáo của Thanh tra Sở GTVT cho biết các hành vi đỗ xe không thanh toán, đỗ quá giờ, cản trở đỗ xe đúng quy định… chưa được quy định trong Nghị định 46/2016 và các văn bản pháp luật liên quan. Do đó, đến nay thanh tra giao thông không thể tiến hành xử phạt người có các hành vi trên.
Trước đó, Viettel đưa ra đề xuất sau ba lần lái xe, chủ xe vi phạm đỗ xe không trả tiền, đỗ quá giờ, cản trở đỗ xe… và bị dán phiếu nhắc nhở thì sẽ tiến hành xử phạt với mức phạt gấp ba lần số tiền giờ đỗ xe đầu tiên.
Về đề xuất này, ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT, cho rằng không khả thi. Vì về nguyên tắc, hành vi vi phạm hành chính khi bị phát hiện thì phải ngăn chặn, xử lý ngay chứ không thể đợi đến lần thứ ba. Thứ nữa, mức phạt trên thấp vì mức thu phí giờ đầu là 20.000-25.000 đồng/giờ, nếu phạt gấp ba thì chỉ là 60.000-75.000 đồng, trong khi hành vi đỗ xe không đúng quy định theo Nghị định 46/2016 bị phạt 600.000-800.000 đồng.
Từ tham mưu của các phòng chuyên môn và Thanh tra Sở GTVT, ông Đường cho rằng mức phạt với các hành vi trên nên cao hơn mức phạt quy định theo Nghị định 46 hiện hành. “Mức, hình thức xử phạt chính hoặc bổ sung như thế nào sẽ được Sở GTVT đề xuất UBND TP, trình HĐND TP thông qua, ban hành trong thời gian tới” - ông Đường nói.
Bằng lái tạm: Tăng thủ tục cho dân Trước câu hỏi ý kiến chính thức của Sở GTVT TP về dự định của Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT sẽ cấp bằng lái xe tạm cho người đã thi đậu, ông Ngô Đình Quang (Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe) cho biết: “Cho đến nay, Sở GTVT TP chưa nhận được văn bản chính thức từ Tổng cục và Bộ GTVT về vấn đề trên. Tuy nhiên, qua thông tin báo chí, Sở GTVT cho rằng Tổng cục và Bộ cần có đánh giá toàn diện, khoa học về việc cấp bằng tạm. Vì lẽ để làm việc này sẽ làm tăng thêm thủ tục, thời gian, bộ máy hành chính, gây khó khăn cho người đã thi đậu. Lại nữa, khi có bằng tạm cấp thì người đậu có được lái xe không và giá trị pháp lý cũng như trách nhiệm của người sử dụng bằng lái tạm này đến mức nào?”. Trước mắt, có thể HĐND TP, UBND TP giao cho các quận vận dụng thẩm quyền chung trên địa bàn để xử phạt các hành vi gây mất trật tự giao thông công cộng đối với tài xế, chủ xe chây ỳ không chịu đóng phí. Ông NGÔ HẢI ĐƯỜNG, Trưởng phòng Quản lý khai thác |