Joseph Roche - một ứng viên trong danh sách chốt lại 100 người đã rút tên và lên án kế hoạch đưa người lên sao Hỏa của Mars One là “một trò bịp”. Ông nói: “Rồi sẽ chẳng có ai lên được sao Hỏa đâu”.
Nộp tiền càng nhiều thì càng có cơ hội được chọn
Mars One là một công ty Hà Lan hoạt động với mục đích phi vụ lợi đã đưa ra một dự án đầy tham vọng: Đưa người lên sống trên sao Hỏa. Mars One đã tung ra một cuộc ứng thí trên mạng cho tất cả thí sinh đang là “cư dân Trái đất”, không phân biệt tuổi tác, trình độ và bằng cấp. Rất nhiều người háo hức đăng ký. Chuyến bay đầu tiên dự kiến cất cánh vào năm 2024. Người đưa ra ý tưởng này là Bas Lansdorp, một kỹ sư cơ khí người Hà Lan, 37 tuổi, sau khi đọc được một bài viết khoa học.
Là giảng viên ĐH tại Dublin (Ireland) và có thời gian cộng tác với cơ quan NASA của Mỹ, tiến sĩ vật lý thiên văn Joseph Roche cho biết ông đã đăng ký tham gia dự án Mars One này chỉ do “tò mò”, muốn biết được thực hư chuyện này ra sao chứ thật sự là ông “không tin tưởng vào đó chút nào cả”. Tuy nhiên, theo thủ tục dự thi, sau khi đã gửi một đoạn video và trải qua một cuộc phỏng vấn khoảng 10 phút trên Skype thì ông ngạc nhiên khi thấy tên mình được ghi trong danh sách 100 người sau cùng được chọn của dự án này. Đó là vào tháng 5-2015 vừa qua.
Cũng chính từ lúc đó mà GS mới nhận ra cách triển khai dự án Mars One này là khá lạ lùng. Ông phát biểu trên trang mạng Medium như sau: “Tôi không gặp được bất cứ ai là người của dự án Mars One này cả. Ngay sau khi bạn đăng ký tham gia dự tuyển thì bạn tự động được cộng điểm rồi. Và bạn cứ được cộng điểm tiếp tục sau các vòng tuyển chọn mà số điểm này rất võ đoán và không tương ứng gì với thứ bậc trong bảng xếp hạng các ứng viên. Thêm vào đó, cách duy nhất để bạn có được điểm số nhiều hơn là bạn phải bỏ tiền ra mua những hàng hóa sản phẩm, như áo thun chẳng hạn, của Mars One bán ra hoặc bạn phải nộp tiền vào”.
Giấc mơ sinh sống và duy trì nòi giống con người trên sao Hỏa liệu sẽ trở thành hiện thực?
Hướng dẫn cách… vòi tiền báo chí
Nhưng chưa hết, vào tháng 2 năm nay, 100 ứng viên sau cùng đã được Mars One phát cho một quyển cẩm nang hướng dẫn “cách giao tiếp hiệu quả với giới truyền thông”, bởi các phương tiện thông tin đại chúng đã và đang “săn đuổi” rất ráo riết các ứng viên này. Trong quyển cẩm nang đó, đặc biệt lưu ý khuyến cáo sau đây: “Nếu có PV đến phỏng vấn bạn và trả tiền cho bạn thì bạn hãy nhận ngay số tiền đó. Chúng tôi đề nghị bạn sau đó hãy trích 75% số tiền mà bạn nhận được để gửi vào quỹ Mars One của chúng tôi”.
Không khó hiểu khi đây là cách tốt nhất để Mars One “gây quỹ’ cho chuyến bay đầu tiên lên sao Hỏa vì chi phí cho sứ mạng này dự tính lên đến 6 tỉ USD. Và cũng dễ hiểu rằng 10 ứng viên ưu tiên được chọn chính là những người đã nộp tiền nhiều nhất vào cho Mars One!
Mù tịt về khách hàng
Theo GS Joseph Roche, phương pháp xét tuyển ứng viên của Mars One cũng không theo chuẩn nghiêm ngặt của NASA. Ông chưa từng được tiếp xúc trực tiếp với một nhân vật nào của Mars One và từ đó ông cho rằng chắc chắn những người tổ chức chuyến bay này sẽ không thể có đủ thông tin dữ liệu để đánh giá đúng khả năng bay vào không gian của các “cư dân sao Hỏa” trong tương lai vì hình như họ mù tịt về “khách hàng” của mình, mà thậm chí họ cũng chẳng cần quan tâm đến “khách hàng” của mình là ai nữa.
Những người tổ chức đã không ngần ngại thổi phồng con số ứng viên. Trong khi truyền thông luôn khẳng định rằng Mars One đã nhận được hơn 200.000 đơn dự tuyển nhưng thật sự là chỉ có 2.761 người muốn lên sống và… chết trên sao Hỏa mà thôi.
Hậu quả lớn: Mất lòng tin vào NASA và các nhà khoa học
Còn nhiều vấn đề “hậu trường” mà đến nay các phương tiện truyền thông không đề cập. Hãng truyền hình Endemol, đơn vị cộng tác với Mars One và là nơi mà Mars One hy vọng thu được gần 6 tỉ USD cho dự án của mình, thì nay đã lặng lẽ rút lui. Vào tháng 2 năm nay, nhà vật lý Gerard t’Hoof đoạt giải Nobel, người được giới thiệu như là một cộng tác viên thân tính của Mars One, đã tuyên bố rằng chúng ta cần phải đợi 100 năm nữa thì mới hy vọng có thể bước chân được lên sao Hỏa chứ không phải chỉ cần 10 năm như Mars One tuyên bố. Và hẳn nhiên là bản thân Công ty Mars One đã từ chối bình luận các ý kiến trên.
Xâu chuỗi lại các thông tin có được thì có thể nói rằng Mars One không có tiền, không có các hợp đồng ký với các hãng hàng không vũ trụ tư nhân, là các đơn vị phát minh ra các kỹ thuật công nghệ cho các sứ mạng không gian dài ngày và rằng Mars One cũng không có được các đối tác truyền hình có khả năng tài trợ cho dự án này như họ từng quảng bá.
Mars One không nghĩ đến việc thành lập một trung tâm huấn luyện như họ nói ban đầu và các ứng viên chỉ đơn giản là được một người “lạ mặt” phỏng vấn qua Skype mà thôi.
GS Joseph Roche kết luận: “Cơn ác mộng lớn nhất của tôi là thấy nhiều người vẫn cứ tiếp tục đổ tiền vào cho nguồn quỹ của dự án này và tiếp tục tin tưởng vào dự án này khi số phận sụp đổ của nó đã được báo trước. Rồi đến một ngày nào đó, những người này sẽ không còn tin tưởng vào NASA và đội ngũ các nhà khoa học nữa”.
Những phản bác khác của giới khoa học
Sylvestre Maurice, một thành viên của sứ mạng robot Curiosity khám phá sao Hỏa, nói: “Chúng tôi luôn ủng hộ việc khám phá các hành tinh xung quanh chúng ta nhưng thật lòng mà nói ý tưởng này quá kỳ lạ. Về mặt kỹ thuật là không thể thực hiện được. Về mặt đạo đức cũng không thể chấp nhận được. Chúng ta không có quyền đẩy con người, những đồng loại của mình vào nghịch cảnh đầy bất trắc như thế được”.
Một nhóm sinh viên Mỹ thuộc Massachusetts Institute of Technology (MIT) đã thực hiện một nghiên cứu về khả năng sống sót của những “cư dân sao Hỏa” trong tương lai và đưa ra những kết luận đầy cảnh báo. Theo tính toán dựa trên các dữ liệu được trình bày trong dự án này, họ sẽ thiếu thức ăn trong vòng vài tuần sau khi lên đó và sẽ chết đói trong vòng 68 ngày. Mà nếu như không chết đói thì họ cũng sẽ chết ngộp do lượng ôxy quá nhiều từ các loại cây trồng thải ra trong môi trường hoàn toàn khép kín.
Muốn lên sao Hỏa để… đẻ con Một ứng viên là nữ sinh viên người Anh, tên Maggie Lieu (ảnh), 24 tuổi, đang học ngành vật lý thiên văn. Cô đăng ký dự tuyển vào dự án Mars One với tham vọng rất cụ thể là được lên sao Hỏa để sinh em bé! Cô phát biểu: “Để có thể tạo lập ra được một cộng đồng dân cư trên sao Hỏa thì phải có các thế hệ mới được sinh ra. Nhưng thử thách thì vô cùng lớn vì từ trước đến nay chưa ai nghiên cứu việc sinh con trong một môi trường trọng lực yếu hơn trên Trái đất gấp ba lần như thế. Tôi là một nhà khoa học, tôi đam mê nghiên cứu và trải nghiệm, chính vì thế mà tôi muốn đi sao Hỏa”. Đó chỉ là một vài dẫn chứng điển hình trong tổng số hơn 200.000 người đăng ký. Mỗi người một lý do và một động cơ riêng. Khó mà hiểu được những động cơ thật sự của họ là gì. |