Dịch Corona báo động, WHO và Trung Quốc cần làm nhiều hơn

Số người chết và số ca nhiễm virus Corona ở Trung Quốc (TQ) không ngừng tăng. Theo số liệu báo Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) dẫn từ Ủy ban Y tế Quốc gia TQ ngày 3-2, hiện đã có tới 362 người chết, trong đó 361 ở TQ và một ca tử vong ở Philippines. Tổng cộng có 17.480 ca nhiễm trên toàn cầu (TQ và cả 23 nước khắp năm châu lục), trong đó phần lớn vẫn là ở TQ với 17.320 ca.

Chuyên gia báo động vì đà tăng quá nhanh

Số ca tử vong tăng vọt từ con số 50 lên tới hơn 362 chỉ trong ba tuần. Đặc biệt trong hơn một tuần trở lại đây mỗi ngày có thêm hàng chục ca tử vong mới và vài ngàn ca nhiễm.

Cuối tuần trước, TS Michael Ryan - lãnh đạo cơ quan phản ứng khẩn cấp của WHO nói “có chứng cứ cho thấy virus này có thể kiềm chế được” và thế giới cần “duy trì cố gắng”. Tuy nhiên, đà tăng nhanh và liên tục số ca tử vong, ca nhiễm khiến nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới về bệnh truyền nhiễm bất an và lo lắng virus có thể lan ra khắp toàn cầu, trở thành đại dịch.

Theo TS Anthony S. Fauci - Giám đốc Viện Bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia (Mỹ), tới thời điểm này có thể khẳng định chủng virus Corona mới lan truyền mạnh hơn các loại virus SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), MERS (hội chứng hô hấp Trung Đông). Trong chín tháng dịch (2002-2003), virus SARS có 8.098 ca nhiễm. Dịch MERS kéo dài hơn (2012-2015) nhưng số ca nhiễm ít hơn - 2.500.

TS Thomas R. Frieden - cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Dịch bệnh Mỹ (CDC) lo ngại “khả năng virus không thể kiềm chế được ngày càng cao”.

TQ khánh thành bệnh viện, huy động quân đội

Tuần trước Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, kêu gọi các nước nỗ lực ngăn chặn đà lây lan của mầm bệnh xuyên biên giới.

Trung Quốc triển khai quân đội đến Vũ Hán hỗ trợ chống dịch. Ảnh: CHINA DAILY

Tuy nhiên, GS Zhou Zijun giảng dạy sức khỏe công cộng tại ĐH Bắc Kinh nói tuyên bố của WHO không tác động nhiều đến các nỗ lực chống dịch của TQ. Chẳng những GS Zhou mà nhiều bác sĩ TQ cũng nói Bắc Kinh vốn đã và đang thực hiện nhiều biện pháp chưa có tiền lệ khống chế dịch. Ủy ban Y tế Quốc gia TQ nói nước này đã và đang thực hiện những biện pháp kiểm soát và phòng ngừa khắt khe nhất. SCMP cũng cho rằng “TQ đã áp dụng mức phản ứng lớn nhất trong lịch sử nhân loại với một cuộc khủng hoảng y tế”.

Ngoài phong tỏa hoàn toàn không chỉ TP Vũ Hán mà cả tỉnh Hồ Bắc, TQ kéo dài kỳ nghỉ tết Nguyên đán, cấm các hình thức tụ tập công cộng. 500.000 nhân viên y tế ở Hồ Bắc bỏ cả dịp tết trực chiến chống dịch. 6.000 nhân viên y tế bên ngoài được huy động hỗ trợ đồng nghiệp ở Hồ Bắc. Các quân chủng lục quân, hải quân, không quân TQ cũng gửi bác sĩ quân y đến tăng cường tại ba bệnh viện chính ở Vũ Hán. Quân đội TQ triển khai 1.400 bác sĩ, y tá quân y đến Vũ Hán, theo chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình. Số bác sĩ, y tá này tiếp quản và làm việc tại bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn vừa được đưa vào sử dụng ngày 3-2.

420 tỉ USD là số tiền “bốc hơi” khỏi thị trường Trung Quốc trong ngày giao dịch đầu tiên 3-2 sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm 9%. 

WHO và TQ cần làm nhiều hơn

Tuy nhiên nhiều chuyên gia y khoa vẫn cho rằng TQ có thể làm nhiều hơn hiện tại. GS Hitoshi Oshitani tại Khoa virus học Trường Y ĐH Tohoku (Nhật) kêu gọi TQ chia sẻ thêm thông tin với WHO, như các thông tin về vật chất sinh học và dịch tễ học. Theo ông, hiện bên ngoài TQ chỉ mới tiếp cận được một số rất ít thông tin rời rạc, các nhà khoa học còn nhiều điều chưa biết về cơ chế người lây qua người diễn ra như thế nào. GS Gregory Gray chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y ĐH Duke-NUS (Singapore) cho rằng vẫn còn nhiều điều chưa khẳng định được về virus Corona. Chẳng hạn về sự liên hệ của virus này với động vật, liệu virus vẫn tiếp tục lan truyền trong động vật ở TQ.

Về phía WHO, TS Mark Eccleston-Turner giảng dạy luật y tế toàn cầu tại ĐH Keele (Anh) cho rằng ngoài tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế thì WHO cần phải đưa ra thêm các công cụ khác giúp kiểm soát dịch. Trong đó không thể thiếu huy động đóng góp tài chính từ các nước thành viên để giúp các nước có virus Corona khống chế dịch. Ngoài ra các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc cũng phải phối hợp với nhau vào cuộc chiến đấu với nạn dịch này.

Bộ Ngoại giao TQ ngày 3-2 cáo buộc một số nước, đặc biệt là Mỹ chẳng những không có bất kỳ động thái thực chất nào hỗ trợ Bắc Kinh kiềm chế dịch mà còn tạo và gieo rắc sợ hãi. TQ liệt kê một số hành động của Mỹ: Là nước đầu tiên sơ tán nhân viên lãnh sự ở Vũ Hán, nước đầu tiên muốn đưa một phần nhân viên đại sứ quán về nước, nước đầu tiên ra lệnh cấm công dân TQ nhập cảnh - trái với các khuyến nghị của WHO. Mỹ đang có 11 ca nhiễm. Bên cạnh chỉ trích Mỹ, TQ nói hy vọng cộng đồng toàn cầu sẽ phán xét một cách có lý, bình tĩnh và có căn cứ khoa học cũng như phản ứng tích cực với tình hình dịch bệnh.

Khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, WHO nói không cần thiết hạn chế đi lại nhưng thực tế hàng chục nước đã hạn chế đi lại với TQ, hơn 20 hãng hàng không ngưng khai thác bay đến nước này.

Không chỉ Mỹ mà Singapore, Úc, Indonesia đều cấm người nước ngoài từng đến TQ trong 14 ngày qua nhập cảnh. Philippines mở rộng lệnh cấm đi lại ra toàn bộ Trung Quốc, cả Hong Kong và Macau. Nhật cấm người có triệu chứng nhiễm virus Corona nhập cảnh và đề nghị công dân không đến TQ. Malaysia ngưng cấp thị thực cho người đến từ tỉnh Hồ Bắc - tâm điểm dịch. Thái Lan ngày 3-2 yêu cầu tất cả công dân TQ muốn nhập cảnh phải cung cấp chứng nhận y tế đảm bảo mình khỏe mạnh, không nhiễm virus Corona. Hàn Quốc từ hôm nay (4-2) cấm người nước ngoài từng đến TQ trong 14 ngày qua nhập cảnh, ngưng khai thác du lịch với TQ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm