Dịch ĐNA: Số nhiễm mới, tử vong mới tại Indonesia cao nhất thế giới

Dịch COVID-19 tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan... đang diễn biến theo chiều hướng đáng lo ngại, trong khi tình hình tại Singapore hay Brunei khả quan hơn nhiều.

Số nhiễm mới tại Indonesia lần đầu vượt mức 40.000

Lần đầu tiên Indonesia báo cáo số ca nhiễm COVID-19 mới trong 24 giờ vượt mức 40.000. Với 40.427 ca nhiễm mới trong ngày 12-7, tổng số trường hợp nhiễm COVID-19 tại Indonesia đã là 2.567.630.

Số ca tử vong vì COVID-19 tại Indonesia là 67.355, gồm 891 trường hợp được báo cáo hôm 12-7. 

Nhiều bệnh viện của Indonesia quá tải trong làn sóng COVID-19 đang hoành hành ở nước này. Ảnh: AFP

Indonesia hiện là nước có số ca nhiễm mới và ca tử vong mới trong 24 giờ cao nhất thế giới.

Trong tuần từ 5-7 tới 11-7, Indonesia đã ghi nhận hơn 240.000 ca nhiễm mới và thêm gần 6.000 bệnh nhân tử vong vì COVID-19. Ông Luhu Pandjaitan - quan chức được Tổng thống Joko Widodo chỉ định giám sát thực hiện các chính sách phòng dịch COVID-19 - hy vọng diễn biến dịch bệnh tại nước này sẽ khả quan hơn trong tuần sau, theo kênh tin Channel News Asia.

Ông Pandjaitan hy vọng số ca nhiễm mới mỗi ngày sẽ được khống chế ở mức dưới 30.000 nhưng nhấn mạnh để làm được điều này, người dân cần “kỷ luật” trong việc thực hiện các lệnh giãn cách, hạn chế đi lại để phòng dịch.

Chính quyền Jakarta cũng đang nỗ lực đẩy nhanh chương trình tiêm chủng và cải thiện nguồn cung trang thiết bị y tế, tăng số giường bệnh. Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết chính phủ đang nỗ lực tuyển dụng 3.000 bác sĩ và ít nhất 16.000 y tá cho hoạt động điều trị bệnh nhân COVID-19.

Dữ liệu cập nhật ngày 12-7 của giới chức Indonesia cho biết nước này đã triển khai hơn 51,4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó hơn 15 triệu người được tiêm đủ hai liều.

Ông Pandjaitan cho biết Indonesia hiện có thể triển khai 1 triệu liều vaccine mỗi ngày và công suất sẽ được nâng gấp đôi vào tháng sau.

Thái Lan cảnh báo tình hình “đáng lo ngại”

Thái Lan hôm 12-7 báo cáo thêm 8.656 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 345.027. Số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này là 2.791, gồm 56 trường hợp được báo cáo trong ngày 12-7.

Phần lớn số ca nhiễm và ca tử vong được ghi nhận trong đợt dịch từ tháng 4 tới nay.

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cảnh báo “tình hình là đáng lo ngại” khi biến thể Delta (được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ) đã lây lan vào các nhà máy.

Thủ đô Bangkok đã áp đặt một số biện pháp hạn chế di chuyển mới, ảnh hưởng tới hơn 10 triệu người. Từ ngày 12-7, nhiều chốt kiểm soát mới được dựng lên ở Bangkok. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 9 giờ tối hôm trước tới 4 giờ sáng hôm sau. Người dân bị cấm tụ tập quá năm người. Các chuyến bay nội địa được cắt giảm. Siêu thị, nhà hàng, ngân hàng, nhà thuốc và cửa hàng điện tử vẫn được mở cửa, trong khi các hàng quán khác đều phải đóng cửa.

Chính phủ Thái Lan đang hứng chịu nhiều chỉ trích về các biện pháp phòng dịch. Một số người cho rằng chính quyền đã hành động quá chậm trễ, trong khi nhiều người khác nhắc tới việc chính phủ thiếu các biện pháp hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng do các lệnh hạn chế.

Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới giảm nhẹ

Sau ba ngày liên tiếp có số ca nhiễm COVID-19 mới vượt mức 9.000, Malaysia hôm 12-7 ghi nhận thêm 8.574 trường hợp mới nhiễm bệnh với hơn một nửa nằm ở bang Selangor (4.308 ca).

Malaysia cũng báo cáo thêm 102 ca tử vong mới vì COVID-19 trong ngày 12-7. Trong đó, 14 người đã tử vong trước khi được nhập viện.

Số lượng bệnh nhân nguy kịch vẫn ở mức cao với 964 trường hợp cần đến các phòng điều trị tích cực và 452 bệnh nhân cần dùng các thiết bị hỗ trợ hô hấp.

Đáng lo ngại, một trong những chùm ca bệnh mới được báo cáo hôm 12-7 liên quan tới một đám tang, rất có thể số ca nhiễm liên quan sẽ còn tăng.

Malaysia đã phong tỏa toàn quốc tứ ngày 1-6, sau khi số ca nhiễm mới trong 24 giờ ở nước này lần đầu vượt mốc 9.000 hồi ngày 29-5. Trong hơn một tháng qua, số ca nhiễm mới theo ngày đã có lúc giảm xuống dưới 5.000 nhưng đã tăng trở lại.

Malaysia đã báo cáo tổng cộng 844.870 ca nhiễm COVID-19, trong đó 6.260 trường hợp đã tử vong.

Tính tới ngày 11-7, Malaysia đã triển khai 11,37 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Khoảng 3,53 triệu người đã được tiêm đủ hai mũi và 4,31 triệu người khác đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Philippines đã tiêm 13,2 triệu liều vaccine

Ngày 12-7, Philippines báo cáo thêm 5.204 ca nhiễm và 100 ca tử vong vì COVID-19. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 1.478.061, trong đó 26.015 bệnh nhân đã tử vong. 

Ngày 12-7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ hai. Ảnh: PNA (Philippines)

Bộ Y tế Philippines cho biết nước này đã triển khai hơn 13,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Hơn 3,5 triệu người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine.

Philippines vẫn tiếp tục hướng tới mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70 triệu trong khoảng 110 triệu dân nước này. Trong thời gian qua, Philippines đã đạt được các thỏa thuận quốc tế đảm bảo gần 20,8 triệu liều vaccine và sẽ tiếp tục nhận 16,57 triệu liều khác trong tháng 8.

Myanmar cũng báo cáo số ca nhiễm cao nhất từ đầu dịch

Ngày 12-7, Myanmar báo cáo 5.014 ca nhiễm COVID-19 mới và 89 ca tử vong mới. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đã là 197.227, gồm 3.927 trường hợp đã tử vong. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ ở Myanmar vượt mức 5.000.

Theo hãng tin Kyodo, số ca nhiễm có thể còn cao hơn mức thống kê do lực lượng y tế vẫn tiếp tục đình công, khiến việc phát hiện ca nhiễm bị ảnh hưởng đáng kể.

Năng lực xét nghiệm của hệ thống y tế Myanmar vẫn thấp hơn mức trước ngày 1-2 - lúc quân đội nước này tiến hành chính biến.

Người dân hai thành phố lớn nhất cả nước là Yangon và Mandalay đã được yêu cầu hạn chế ra ngoài khi không cần thiết vì tỉ lệ xét nghiệm COVID-19 trả kết quả dương tính tại hai địa phương này đã vượt 30%.

Tình trạng thiếu oxygen y tế cũng đang trầm trọng hơn. Tuy nhiên, chính quyền quân sự Myanmar hôm 12-7 cam kết các nhà máy sẽ hoạt động hết công suất để đảm bảo lượng oxygen y tế.

Myanmar đã đạt được thỏa thuận với Nga để sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong nước, công suất ước tính 5 triệu liều mỗi năm, theo hãng tin Reuters.

Các nước khác đều dưới 1.000 ca nhiễm mới

Trong ngày 12-7, năm nước Campuchia, Lào, Timor-Leste, Singapore và Brunei đều báo cáo số ca nhiễm COVID-19 mới ở mức dưới 1.000.

Campuchia có 911 ca nhiễm mới và thêm 23 trường hợp tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 61.870, bao gồm 925 bệnh nhân đã không qua khỏi.

Lào báo cáo thêm 106 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 2.825. Số ca tử vong vì COVID-19 tại Lào vẫn là 3 khi không có trưởng hợp tử vong nào trong một tháng rưỡi qua.

Timor-Leste báo cáo 39 ca nhiễm mới và không có ca tử vong mới. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 9.862, trong đó 25 trường hợp đã không qua khỏi.

Singapore báo cáo 26 ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm tại quốc đảo này là 62.718. Số ca tử vong vì COVID-19 ở đây vẫn là 36.

Brunei báo cáo thêm 2 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 tại nước này lên thành 277. Toàn bộ 3 ca tử vong vì COVID-19 tại Brunei là trong đợt dịch năm ngoái. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới