Liên quan tình hình COVID-19 ở Triều Tiên, ngày 17-5, Cơ quan chống dịch khẩn cấp Triều Tiên cho biết hôm 17-5 nước này ghi nhận thêm 269.510 người có các triệu chứng sốt, đưa tổng số ca sốt lên 1.483.060. Hiện Triều Tiên vẫn chưa cho biết có bao nhiêu người đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Số ca tử vongtính tới tối 17-5 là 62 ca, theo thông tấn xã trung ương Triều Tiên KCNA.
Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh phong toả toàn quốc, đồng thời triển khai quân đội để phân phối thuốc và triển khai hơn 10.000 nhân viên y tế để giúp theo dõi các bệnh nhân có khả năng nhiễm COVID-19.
Ông Kim phê bình cách quan chức Triều Tiên chống dịch
Hôm 17-5, ông Kim đã thừa nhận nước này chống dịch COVID-19 còn “non kém” trong đợt bùng dịch đầu tiên, đồng thời phê bình các quan chức chống dịch chậm chạp và thiếu sót, theo thông tin KCNA.
Lực lượng quân y Triều Tiên được điều động để vận chuyển thuốc cho người dân ở thủ đô Bình Nhưỡng hôm 16-5. Ảnh: KCNA |
Trong cuộc họp của Bộ Chính trị, ông Kim cho rằng "sự non kém về năng lực của nhà nước trong việc đối phó với khủng hoảng" đã làm tăng "sự phức tạp và khó khăn" trong việc chống lại đại dịch khi "thời gian là sự sống", theo KCNA.
Giữa những lo ngại về việc đất nước thiếu vaccine và cơ sở hạ tầng y tế để điều trị COVID-19, KCNA cho biết các quan chức y tế nước này đã phát triển một hướng dẫn điều trị COVID-19 nhằm ngăn việc uống thuốc quá liều. Hướng dẫn bao gồm các phương pháp điều trị cho các loại bệnh nhân khác nhau nhưng truyền thông Triều Tiên không nêu chi tiết về loại thuốc nào có trong hướng dẫn.
Trước đó, KCNA cũng khuyến khích bệnh nhân sử dụng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt như ibuprofen, amoxicillin và các loại kháng sinh, cũng như sử dụng các biện pháp khác như súc họng bằng nước muối hoặc uống trà ba lần mỗi ngày.
WHO đề nghị cung cấp vaccine
Ngày 17-5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng quan ngại tình hình dịch COVID-19 ở Triều Tiên, kênh CNA đưa tin.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo Triều Tiên có thể gánh hậu quả nặng nề trước đà lây lan nhanh của biến thể Omicron. Ông cũng đưa ra đề nghị hỗ trợ Triều Tiên chống dịch vì lo ngại hậu quả nguy hiểm với dân số chưa được tiêm vaccine.
"WHO lo ngại sâu sắc về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở Triều Tiên, đặc biệt là do dân số chưa được tiêm chủng và nhiều đối tượng chưa tiêm có bệnh nền khiến họ có nguy cơ trở nặng và tử vong" - ông Tedros lo ngại.
Ông cho biết WHO đã đề nghị Triều Tiên chia sẻ dữ liệu và thông tin, đồng thời nói thêm rằng tổ chức này đã đề nghị hỗ trợ kỹ thuật và vật tư, xét nghiệm, thuốc men và vaccine để giúp Bình Nhưỡng ngăn COVID-19 lây lan.
Cho đến nay, Triều Tiên chưa có phát ngôn công khai nào chấp nhận sự hỗ trợ từ Liên Hợp Quốc. WHO cũng thừa nhận rằng không có cách nào buộc Triều Tiên và Eritrea - những nước chưa tiêm vaccine phòng chống COVID-19 cho dân, chấp nhận sự hỗ trợ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un họp Bộ chính trị bàn về vấn đề chống dịch hôm 17-5. Ảnh: KCNA |
Ngoài ra, WHO lo ngại nếu COVID-19 không được chặn ở các nước này thì có nhiều khả năng biến thể mới sẽ xuất hiện khiến cả thế giới gặp nguy hiểm.
Giám đốc phụ trách xử lý các vấn đề khẩn cấp của WHO - TS Michael Ryan lo lắng: “Nếu không được kiểm soát được lây nhiễm, các biến thể mới có nguy cơ cao là sẽ xuất hiện. Vì vậy, chắc chắn vấn đề đáng lo ngại nếu các quốc gia không sử dụng các công cụ phòng dịch hiện có".
Theo Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19 - TS Maria Van Kerkhove: "Quan điểm cho rằng Omicron gây bệnh nhẹ là sai. Đây thực sự là câu chuyện gây chết người bởi vì mọi người nghĩ rằng họ không đối mặt với nguy hiểm”.