Điểm tin 24-3: Viện trợ của Mỹ tới Ukraine, NATO nói không gửi quân hỗ trợ Kiev

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình hình chiến sự tại Ukraine

. Hãng thông tấn Ukraine Ukrinform hôm 23-3 cho biết quân đội Nga đã bắn vào của một công ty thực phẩm ở TP Chernihiv, làm hư hỏng nặng một đường ống dẫn amoniac.

Đến khoảng 20 giờ 10 phút cùng ngày, các nhân viên khẩn cấp của thành phố đã tiến hành kiểm tra các bồn chứa và van đóng ngắt, khẳng định nồng độ hơi amoniac vẫn nằm trong định mức cho phép.

Theo báo cáo sơ bộ, vụ tấn công nhà máy thực phẩm không gây ra thương vong nào, nhưng đám cháy tại kho thành phẩm vẫn chưa được dập tắt, công tác cứu hộ vẫn tiếp tục. Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục các cuộc pháo kích vào thành phố này.

Một người đàn ông đứng bên trong một ngôi trường bị hư hại sau các đợt không kích của Nga ở TP Zhytomyr, miền bắc Ukraine, hôm 23-3. Ảnh: AFP

. Đăng thông báo trên tài khoản Telegram của mình, Tỉnh trưởng vùng Mykolaiv của Ukraine, ông Vitaly Kim cho biết thêm một tên lửa hành trình của Nga đã bị lực lượng Ukraine bắn hạ ở khu vực này, đính kèm theo một đoạn video quay lại hiện trường nơi quả tên lửa rơi xuống.

Trước đó, vào cuối ngày 22-3, quân đội Ukraine đã bắn rơi 6 máy bay chiến đấu, 1 máy bay trực thăng, 5 UAV (máy bay không người lái) và 5 tên lửa hành trình của quân đội Nga.

Theo Ukrinform, kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu vào ngày 24-2 cho đến nay, quân đội Nga đã mất khoảng 15.600 binh sĩ, 517 xe tăng, 1.578 xe bọc thép, 267 hệ thống pháo, 80 pháo phản lực bắn loạt (MLRS), 47 hệ thống phòng không, 101 máy bay, 124 máy bay trực thăng, 1.008 xe quân sự, 4 tàu/thuyền, 70 tàu chở nhiên liệu, 42 máy bay không người lái, cùng 15 thiết bị đặc biệt khác.

Dòng người xếp hàng để di tản khỏi Ukraine. Ảnh: UKRINFORM

. Cùng ngày, trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Suspilne, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết quân đội nước này đã cứu được 11 thủy thủ của Nga gặp nạn trên Biển Đen và sẵn sàng đổi lấy 11 binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ trên đảo Zmiinyi.

"Họ (những thủy thủ Nga) bày tỏ mong muốn được rời đi, nhân tiện, chúng tôi đã cứu họ trong lúc đang chết đuối ở Biển Đen. Và tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể đưa các binh sĩ Ukraine trở về” - bà Vereshchuk nói.

. Cũng theo Ukrinform, có khoảng 2.491 cư dân Mariupol, bao gồm 570 trẻ em, đã được sơ tán từ Berdiansk đến Zaporizhia vào ngày 23-3 khi tình hình chiến sự tại thành phố này vẫn dẫn ra khốc liệt.

Theo chính quyền Mariupol, người dân di tản đã sử dụng xe buýt và ô tô cá nhân, có khoảng 338 chiếc xe đã đến Zaporizhia vào ngày 23-3. Tất cả những người sơ tán đã được hỗ trợ chăm sóc y tế, thực phẩm và chỗ ở.

Chính quyền thành phố cho biết thêm rằng có tổng cộng gần 50.000 người đã được sơ tán khỏi Mariupol, trong đó hơn 36.000 người đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các trung tâm hỗ trợ ở Zaporizhia.

Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk. Ảnh: UKRINFORM

. Đài CNN dẫn thông báo từ một quan chức Washington cho biết những chuyến hàng đầu tiên trong gói viện trợ quân sự trị giá 800 triệu USD mà Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi tới Ukraine đã đến nước này. Quan chức này cho hay Mỹ sẽ tiếp tục chuyển phần còn lại đến Ukraine càng nhanh càng tốt.

. Cùng ngày, chính quyền Thụy Điển và Đức đều thông báo sẽ gửi hàng nghìn vũ khí chống tăng mới tới hỗ trợ Ukraine, theo đài RT.

Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde thông báo đất nước của bà sẽ gửi 5.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine cùng với 5.000 vũ khí đã được cung cấp cho Kiev trước đó. Bà Linde gọi đây là “một quyết định lịch sử” mà Thụy Điển từng đưa ra.

Trong khi đó, cơ quan Báo chí Đức đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã yêu cầu lực lượng vũ trang nước này cung cấp 2.000 quả lựu đạn phóng từ các kho dự trữ của họ cho Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: UKRINFORM

Động thái mới từ Mỹ, Nga và phương Tây

. Ukrinform ngày 23-3 dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết sau quá trình đánh giá cẩn thận những dữ kiện thu thập được từ các cơ quan tình báo và tổ chức quốc tế, chính phủ Mỹ đã quyết định công nhận các hành động của Nga ở Ukraine là “tội ác chiến tranh”.

“Washington sẽ tiếp tục theo dõi các báo cáo về tội ác chiến tranh và sẽ chia sẻ thông tin mà chúng tôi thu thập được với các đồng minh, đối tác cũng như các cơ quan và tổ chức quốc tế. Chúng tôi cam kết theo đuổi trách nhiệm giải trình bằng mọi công cụ hiện có, bao gồm cả truy tố tội phạm” - ông Blinken nhấn mạnh.

. Cũng theo Ukrinform, trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp tại Brussels, Bỉ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Canada và Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp Ukraine và Moldova tăng cường khả năng phòng thủ mạng và chống lại các thông tin sai lệch.

"Chúng tôi cam kết thúc đẩy hợp tác chống lại các mối đe dọa an ninh mạng, nhằm đối phó với sự hung hăng của Nga và các mục tiêu dài hạn. Cùng nhau, chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực phối hợp hỗ trợ chính phủ Ukraine và Moldova về khả năng phục hồi và phòng thủ trên không gian mạng” - 2 nhà lãnh đạo cho biết.

Theo ông Trudeau và bà Ursula, phương Tây “sẽ cùng nhau chống lại thông tin sai lệch, làm việc với các quốc gia thành viên EU và các đối tác cùng chí hướng khác, cũng như thông qua Cơ chế phản ứng nhanh của nhóm các nước G7”.

Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ chỉ chấp nhận thanh toán tiền xuất khẩu khí đốt cho "các quốc gia không thân thiện" bằng đồng rúp. Ảnh: RT

. Tại cuộc họp chính phủ hôm 23-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ chỉ chấp nhận thanh toán tiền xuất khẩu khí đốt cho "các quốc gia không thân thiện" bằng đồng rúp, giải thích thêm rằng Moscow đang có kế hoạch từ bỏ tất cả các loại tiền tệ của những quốc gia “không thân thiện” trong hệ thống thanh toán của nước này. 

“Sẽ không có ý nghĩa gì khi giao hàng hóa của chúng tôi đến EU và Mỹ và được trả bằng USD và EUR” - ông Putin nói, thêm rằng các quyết định bất hợp pháp của một số nước phương Tây nhằm đóng băng tài sản của Nga đã phá hủy mọi niềm tin vào tiền tệ của họ.

. Đài RT cho biết trong ngày 23-3, Cơ quan An ninh Nội bộ Ba Lan (ISA) cho biết đã yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này trục xuất 45 nhà ngoại giao Nga bị tình nghi làm gián điệp ở Warsaw.

ISA cho biết họ đã thu thập bằng chứng về các hoạt động bí mật của các nghi phạm. Một trong số đó có liên quan đến việc một công dân Ba Lan bị bắt hôm 17-3 vì tình nghi hoạt động gián điệp cho Nga, và việc trục xuất một số lượng lớn các nhân viên ngoại giao như vậy là "do chính sách của Nga đối với Ba Lan và các đồng minh", cũng như chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào Ukraine.

Cơ quan ngoại giao Nga sau đó xác nhận rằng đại sứ của họ tại Warsaw, ông Sergey Andreev, đã được Bộ Ngoại giao Ba Lan triệu tập vào hôm 23-3 và đã nhận được một danh sách ghi tên của 45 nhà ngoại giao Nga, những người phải rời khỏi đất nước này trong vòng 5 ngày. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow sẽ đáp trả vụ việc bằng các hành động tương ứng.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov phát biểu trong cuộc gặp gỡ với các sinh viên và giảng viên tại Học viện Quan hệ Quốc tế Moscow (MGIMO). Ảnh: RT

. Cũng theo RT, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cảnh báo rằng nếu NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đồng ý với đề xuất của Ba Lan về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine, động thái này có thể gây ra một cuộc xung đột quân sự giữa khối do Mỹ đứng đầu và Moscow.

Ngoại trưởng Lavrov đồng thời cảnh báo các nước Baltic không nên cử "các tiểu đoàn nhỏ" của họ đến chiến đấu  lại quân đội Nga ở Ukraine.

“Ba Lan đã kêu gọi triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh NATO. Tôi hy vọng họ hiểu rằng đây là một hành vi đe dọa và sẽ dẫn đến một cuộc đụng độ trực tiếp giữa lực lượng vũ trang Nga và NATO” - ông Lavrov nêu rõ.

. Trong khi đó, phản hồi lại lời kêu gọi của Ba Lan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định khối này sẽ không gửi quân đến Ukraine: "Dù chúng tôi vẫn đang cung cấp sự hỗ trợ cho Ukraine, song NATO không phải là một phần của cuộc xung đột. NATO sẽ không gửi quân vào Ukraine”.

Hãng thông tấn xã Nga TASS dẫn lời ông Stoltenberg cho biết “việc cực kỳ quan trọng lúc này là phải cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, đồng thời việc ngăn chặn cuộc xung đột này trở thành một cuộc chiến toàn diện giữa NATO và Nga cũng vô cùng quan trọng”.

Tổng thư ký NATO tiếp tục loại trừ viễn cảnh thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine vì điều đó sẽ đồng nghĩa với một cuộc chiến với Nga: “Chúng tôi đã tuyên bố rằng chúng tôi sẽ không áp đặt vùng cấm bay vì chúng tôi tin rằng điều đó rất có thể sẽ gây ra một cuộc chiến toàn diện”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: EPA-EFE

. Theo tờ South China Morning Post, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ hôm 23-3 đã kêu gọi Washington hợp tác chặt chẽ hơn với Bắc Kinh để giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Tuyên bố của cơ quan ngoại giao Trung Quốc, sau những lời kêu gọi ngày càng tăng của Mỹ và châu Âu yêu cầu Bắc Kinh làm rõ lập trường của họ về chiến dịch quân sự của Nga, cho thấy Bắc Kinh đang vô cùng thận trọng nhằm bảo đảm quan hệ đối tác “không giới hạn” với Nga.

“Tôi tin rằng Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác trong vấn đề Ukraine” - phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Liu Pengyu nói, thêm rằng “2 nước đã đạt được đồng thuận, đó là đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt các hành động thù địch càng sớm càng tốt”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm