Ngày 6-5, ông Biện Tấn Tài, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận đã ký công văn gởi Sở NN&PTNT, Hiệp hội Thanh long, UBND các huyện, thị xã, TP và các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh.
Khuyến cáo và hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa
Theo Sở Công thương Bình Thuận, để hoạt động xuất khẩu hàng hóa đặc biệt là thanh long đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch của phía Trung Quốc, Sở đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức Đoàn làm việc với các DN xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh.
Xe container đậu cắn đuôi nhau chờ đưa thanh long sang Trung Quốc tháng 12-2021. |
Cụ thể, trong tháng 5-2022 làm việc về tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 đối với hàng hóa xuất khẩu và tình hình tiêu thụ thanh long trong thời gian qua. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, thông tin với các cơ quan chức năng của các tỉnh biên giới phía Bắc về hoạt động tại các cửa khẩu, các yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch của phía Trung Quốc để kịp thời thông tin, khuyến cáo và hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của DN trong tỉnh.
Vườn thanh long của trang trại Bình An, Hàm Thuận Nam chong đèn cho ra hoa trái vụ. |
Sở NN&PTNT giám sát việc quản lý, sử dụng mã vùng trồng, mã đóng gói thanh long đã được cấp theo các quy định của Bộ NN&PTNT về việc kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói để cấp mã số phục vụ xuất khẩu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, lưu ý đối với các cơ sở được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý về chất lượng, an toàn thực phẩm; đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tình hình sử dụng hóa chất, chất kích thích, chất tăng trọng... trong toàn chuỗi sản xuất - tiêu thụ thanh long.
Tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đảm bảo, đáp ứng thị trường tiêu thụ. UBND các huyện, thị xã, TP tăng cường nhắc nhở, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các công ty, DN, hợp tác xã, cơ sở đóng gói, thu mua thanh long; các tổ chức và cá nhân có hoạt động giao nhận hàng hóa trong sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Hiệp hội thanh long Bình Thuận thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa các DN trong việc tăng cường công tác thông tin về tình hình thị trường, giá cả... đến các DN thành viên để DN chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.
Vận động DN tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, giải quyết tốt đầu ra cho thanh long. Kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc hiện nay của DN và đề xuất, kiến nghị giải pháp với các đơn vị liên quan nhằm giúp DN tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thanh long.
Các DN xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu và các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Chú trọng, quan tâm thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương.
Tăng cường kiểm tra sản phẩm trước khi nhận và xuất hàng, đảm bảo thực hiện khử khuẩn đối với công nhân, người lao động trong suốt quá trình sản xuất, thu hoạch; khử khuẩn hàng hóa và phương tiện ngay từ khi đóng gói bao bì, bốc xếp lên phương tiện để xuất xưởng, đảm bảo không tồn tại mầm bệnh trong toàn bộ quá trình sản xuất và chuyên chờ hàng hóa từ nơi sản xuất lên đến cửa khẩu và cho đến khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Một vườn thanh long ở Bình Thuận trang trí đón khách tham quan. |
Thực hiện tốt truy xuất gốc xuất xứ, quy định nhãn mác, bao bì sản phẩm, quản lý hồ sơ DN theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng đảm bảo đủ điều kiện thông quan khi đưa lên cửa khẩu.
Thanh long bán sang Trung Quốc phải khử khuẩn bao bì...
Trước đó, bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công văn gởi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Theo nội dung công văn, từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã cơ bản được kiểm soát; tuy nhiên phía Trung Quốc lại đang diễn biến phức tạp, nhiều TP bị phong toả.
Với chính sách “Zero COVID”, Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch ở mức độ rất cao. Đặc biệt là thực hiện phong tỏa các khu vực có ca lây nhiễm COVID-19, tạm dừng hoạt động thông quan hàng hoá qua nhiều cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt – Trung.
Các cửa khẩu đang duy trì hoạt động cũng chịu ảnh hưởng lớn, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, hiệu suất thông quan hằng ngày chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương hàng hoá của các DN hai bên. Đặc biệt là cửa khẩu trọng điểm, chủ lực của tỉnh như cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu song phương Chi Ma và cửa khẩu Tân Thanh.
Hiện nay theo yêu cầu của phía Trung Quốc thì hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc phải thực hiện trước công tác khử khuẩn và xét nghiệm COVID-19 để tránh trường hợp phát hiện hàng hóa nhiễm vi rút SARS-CoV-2 sau khi đã nhập khẩu vào Trung Quốc.
Để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch của phía Trung Quốc, đồng thời duy trì khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn là “vùng xanh’’ an toàn với dịch COVID-19, đảm bảo phục vụ hiệu quả xuất khẩu nông sản, hoa quả của cả nước, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị UBND các tỉnh, TP có hàng nông sản xuất khẩu qua địa bàn tỉnh tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động tại các vùng trồng.
Tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục tăng cường công tác trao đổi thông tin, đối ngoại với phía Quảng Tây, Trung Quốc về các giải pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn, thúc đẩy hơn nữa hoạt động xuất khẩu nông sản qua biên giới.