Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban KTTƯ, cho biết Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách phát triển năng lượng. Điển hình là Kết luận số 26 của Bộ Chính trị khóa IX, Nghị quyết số 18 của Bộ Chính trị khóa X về quy hoạch, định hướng, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2050.
Theo ông Bình, sau thời gian triển khai, dù cơ bản giải quyết được nhu cầu năng lượng trước mắt nhưng mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia vẫn còn nhiều thách thức. Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu ngày càng nhiều. Nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch…
Diễn đàn cấp cao Năng lượng Việt Nam 2020 diễn ra ngày 22-7 tại Hà Nội. Ảnh: AN AN
Ông Bình cũng đánh giá thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện. Độc quyền Nhà nước còn cao. Chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.
Vì vậy, từ tổng kết của Chính phủ, hồi đầu năm, Ban KTTƯ đã tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết để triển khai nghị quyết của Đảng, Chính phủ đang tập trung vào bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tập trung chỉ đạo hoàn thiện thể chế, cụ thể là sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng mới Luật Năng lượng tái tạo. Đồng thời, hoàn thiện các văn bản dưới luật để khắc phục những tồn tại, bất cập trong hoạt động của ngành năng lượng hiện nay.
Thứ hai, cần khẩn trương xây dựng chiến lược phát triển ngành năng lượng và chiến lược phát triển các phân ngành điện và than giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chiến lược nhập khẩu năng lượng dài hạn, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia.
Thứ ba, tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.
Thứ tư, xây dựng và sớm hoàn thiện đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, sớm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào thí điểm năm 2022, phấn đấu có thị trường hoàn chỉnh từ năm 2023 và vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ tại các phân khúc thị trường than giai đoạn 2026-2030…
Còn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay bộ trưởng Công Thương đã trình Chính phủ để sớm ban hành chương trình hành động của Chính phủ, làm cơ sở để xây dựng những kế hoạch hành động triển khai thực hiện nghị quyết.
Dự kiến chương trình hành động này sẽ được ban hành trong tháng 7. “Có thể nói đây là các đề án có tính nền tảng, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển năng lượng, điện lực Việt Nam trong thời gian tới” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.