Ngày 1-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi dẫn đầu đoàn công tác đi thực địa để giải quyết vấn đề xử lý rác đã và đang nóng lên từng ngày do ba tháng trước Nhà máy rác TP Cà Mau xin ngưng hoạt động để bảo trì, bảo dưỡng.
Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi (bìa phải) cùng nhiều sở, ngành tỉnh đi khảo sát địa điểm mới ở xã Khánh An, huyện U Minh để chuẩn bị cho một nhà máy rác khác hiện đại hơn và có tầm chiến lược lâu dài. Ảnh: CHÍ HẠO
Kết thúc buổi công tác, ông Bi kết luận UBND tỉnh Cà Mau không đồng ý tờ trình xin tiếp tục ngưng hoạt động ba tháng nữa để bảo trì, bảo dưỡng của ban lãnh đạo Nhà máy rác thải TP Cà Mau. Lý do là trước đó UBND tỉnh đã giải quyết cho nhà máy này ngưng ba tháng để bảo trì, bảo dưỡng. "UBND tỉnh đề nghị ban lãnh đạo Nhà máy rác TP Cà Mau phải sớm đưa nhà máy vào hoạt động" - ông Bi yêu cầu.
Ông Bi cũng đã trả lời và kết luận một số đề xuất khác của phía Công ty Công Lý.
Ông Nguyễn Thành Sua, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Cà Mau, đề xuất tỉnh cho Công ty Công Lý ứng trước tiền xử lý rác thải để Cục Thuế thu nợ thuế sớm, nhằm giúp công ty giảm khoản tiền phạt do chậm nộp số thuế đang nợ 8 tỉ đồng. Ảnh: CHÍ HẠO
Theo đó, ông Bi khẳng định giá hỗ trợ cho mỗi tấn rác thải được xử lý hiện nay theo quy định là 350.000 đồng đến tối đa 390.000 đồng, không có mức 450.000 đồng như đề xuất của phía Nhà máy rác thải TP Cà Mau. "Tôi nói rõ bản chất số tiền 350.000 đồng Nhà nước trả cho Công ty Công Lý trên mỗi tấn rác thải được xử lý là tiền hỗ trợ xử lý rác, không phải tiền thuê. Do vậy không thể dựa trên giá thành xử lý rác của nhà máy để mà trả theo đề xuất của nhà máy được. Mức giá 350.000 đồng/tấn hiện nay là đúng với quy định và không thấp hơn giá hỗ trợ xử lý rác ở các tỉnh lân cận" - ông Bi nói.
Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Cà Mau, đề nghị Công ty Công Lý nên khởi kiện phía cung cấp thiết bị đã trễ hợp đồng giao máy móc. Ảnh: CHÍ HẠO
Ông Phan Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, cũng cho biết tình hình nhặt rác ở bãi rác tạm của TP Cà Mau hiện nay khá phức tạp do dân giành giật nhặt phế liệu bán. Ảnh: CHÍ HẠO
Về việc có cho Công ty Công Lý tiếp tục ứng tiền xử lý rác thải nữa hay không, ông Bi cho rằng Nhà máy rác TP Cà Mau đã ngưng hoạt động nhiều tháng qua, nay vẫn chưa hoạt động thì không thể xem xét cho công ty ứng trước tiền xử lý rác thải. Bởi tỉnh còn phải ứng tiền cho phía Công ty Công trình đô thị TP Cà Mau để đơn vị này xử lý rác thải thay cho nhà máy rác thời gian qua và hiện nay.
Trước đó, Cục Thuế tỉnh có đề xuất cho Công ty Công Lý ứng trước tiền hỗ trợ xử lý rác để Cục Thuế thu hồi số thuế còn nợ của công ty này khoảng 8 tỉ đồng.
Ông Lâm Văn Bi và lãnh đạo Nhà máy rác TP Cà Mau trao đổi về các giải pháp nhằm sớm đưa nhà máy hoạt động trở lại. Ảnh: CHÍ HẠO
Về việc Công ty Công Lý đề nghị tỉnh giao cho công ty này thêm 10 ha để có chỗ xử lý rác thải đúng theo lời hứa của tỉnh trước đây khi đầu tư nhà máy, ông Bi khẳng định tỉnh sẽ giao đất nếu công ty có phương án sử dụng đất cụ thể, hợp lý, đúng quy định. Về việc này, Sở Xây dựng tỉnh cũng đã thể hiện rõ quan điểm rằng nhiều lần yêu cầu Công ty Công lý đưa ra phương án sử dụng đất nhưng đến nay công ty vẫn chưa đưa ra.
Kết luận buổi làm việc, ông Bi chỉ đạo các ngành chức năng tỉnh phải nỗ lực xử lý rác thải, không để ùn ứ, ảnh hưởng đến đời sống người dân. "Chúng ta phải bằng mọi cách xử lý rác thải như ba tháng qua đã xử lý. Không vì nhà máy rác tạm ngưng hoạt động mà để rác thải ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân" - ông Bi chỉ đạo.
Ông Lâm Văn Bi xem hạt nhựa được sản xuất từ Nhà máy rác thải TP Cà Mau. Ảnh: CHÍ HẠO
Theo PV được biết, vào tháng 10-2018, tức tháng thứ ba kể từ khi Nhà máy rác thải TP Cà Mau tạm ngưng hoạt động, các địa phương đã bắt đầu lúng túng vì lượng rác ùn ứ lớn. Một số huyện thị đã đổ rác vào khu vực đất rừng phòng hộ hoặc đã bị người dân gần khu vực đổ rác phản ứng vì bắt đầu có hiện tượng ô nhiễm không khí, nguồn nước ở mức độ nhẹ.
Trong khi đó, ông Tô Công Lý, Giám đốc Nhà máy rác TP Cà Mau, cho biết sở dĩ nhà máy phải tiếp tục ngưng hoạt động thêm ba tháng vì phía đối tác cung cấp thiết bị mà nhà máy đặt mua vẫn chưa cung cấp máy theo tiến độ hợp đồng. Việc hoạt động của nhà máy toàn thua lỗ do giá hỗ trợ không bằng giá thành xử lý rác, sản phẩm chính của nhà máy là phân bón thì không bán được ra thị trường. Còn UBND tỉnh thì chưa giao thêm 10 ha đất như đã hứa khi công ty tiến hành đầu tư dự án Nhà máy rác TP Cà Mau.