Quy hoạch cây xanh ở công viên như thế nào mới chuẩn?

Những ngày qua liên tiếp những vụ cây xanh trên địa bàn TP.HCM ngã đổ, tét nhánh gây thương vong cho người đi đường. Theo đó, những cây xanh ở công viên cũng là nỗi lo của những người dân khi vui chơi, giải trí, tập thể dục.

Theo các chuyên gia, cây xanh trong công viên cần được quy hoạch ngay từ đầu để mang lại hiệu quả về nhiều mặt.

Đầu tư nhiều công viên trong năm 2020

Theo khảo sát của PV, hiện tại ở các quận, huyện ngoại thành rất ít công viên, đặc biệt là công viên cây xanh. Theo đó, một số quận như Bình Tân, 12 đã có kế hoạch phát triển công viên cây xanh với quy mô lớn.

Theo UBND quận Bình Tân, hiện nay công viên và mảng xanh trên địa bàn quận chỉ đạt 22,01 hecta còn thiếu so với quy hoạch chung của UBND quận về đất công viên cây xanh. Trong đó, 60/76 công viên vừa và nhỏ, rộng từ 1.000 đến 10.000 m2 thuộc dự án nhà ở trên địa bàn quận. Riêng công viên, mảng xanh ven kênh Bắc Lương Bèo do Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đầu tư năm 2019 với 1,18 hecta.

Ông Nguyễn Văn Sử, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân, cho biết trên địa bàn quận còn lại 44 công viên với diện tích 23,89 hecta chủ đầu tư chưa bàn giao.

Do vậy, Phòng Quản lý đô thị sẽ tiếp tục tham mưu UBND quận đề nghị chủ đầu tư thực hiện, phấn đấu đến năm 2025 đưa tất cả mảng xanh này vào sử dụng.

Trong năm 2020, UBND quận phối hợp Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đầu tư nhiều công viên. Điển hình như khu đất tại siêu thị Big C với diện tích 3,3 hecta; công viên tại giao lộ Trần Văn Giàu - Võ Trần Chí khu vực 1, 2 với diện tích 3 hecta. Dự kiến thời gian thực hiện những công viên này từ năm 2020 đến năm 2021.

Đặc biệt, thời gian tới, UBND quận tiếp tục kiến nghị, kêu gọi đầu tư công viên ở vị trí đất cây xanh thuộc khu đất Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (phường Bình Hưng Hòa A) với tổng diện tích 11,68 hecta. Với công viên này, UBND quận đang thực hiện công tác giải tỏa, bồi thường giải phóng mặt bằng.

UBND quận Bình Tân đã rà soát 159 khu đất có quy hoạch công viên cây xanh gửi Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.

BQL đã xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án trong giai đoạn 2021-2025 xây dựng công viên khu dân cư phía Bắc Hương Lộ 2 (khu 1, phường Bình Trị Đông A) có diện tích 23,45 hecta. UBND quận này kiến nghị TP sớm thực hiện công viên trên. 

Quận 12 cũng là một trong các quận có kế hoạch phát triển công viên cây xanh có quy mô lớn trong thời gian tới.

Cụ thể, UBND quận tập trung lập đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 khu công viên cây xanh khu đất 150 ha tại phường Thới An, phường Thạnh Xuân. Dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ đưa vào khai thác một phần của dự án.

Ngoài ra, quận tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dự án Công viên Văn hóa – Thể dục thể thao 19,3 hecta phường Hiệp Thành.

Đại diện UBND quận 12 cho hay, trong thời gian tới quận sẽ đôn đốc chủ đầu tư dự án An Sương đầu tư khu công viên cây xanh trung tâm diện tích 5,29 hecta và các chủ đầu tư khác, ưu tiên phát triển mảng xanh công viên trước khi thực hiện công tác xây dựng cơ bản.

“Mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ đầu tư mỗi phường ít nhất một công viên, mảng xanh” – vị đại diện này nói.

quy-hoach-cay-xanh-trong-cong-vien-1

Cây xanh ở công viên cần có hồ sơ về sức khỏe ngay từ đầu. Ảnh: THU TRINH

Cần có kế hoạch ngay từ lúc đầu

Theo TS Nguyễn Thị Lan Thi, giảng viên Khoa sinh học và công nghệ sinh học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM): Cây xanh đường phố hay cây trong công viên cũng cần được được đánh giá kỹ lưỡng. Sau đó chúng ta cần có hồ sơ như hồ sơ bệnh án của người để theo dõi sức khỏe của cây. Đó là hồ sơ đánh giá sức khỏe, lưu trữ về giống cây, số tuổi của cây, điều này trước nay chúng ta vẫn chưa làm.

Theo TS Lan, ở một số nước, điển hình là Singapore muốn đạt quản lý cây xanh tốt, đạt được thành tựu như hiện nay họ đã lập hồ sơ theo dõi cây xanh, chương trình quản lý rõ ràng.

“Ngoài ra, họ có đội ngũ chuyên môn phụ trách việc giám sát, đánh giá sức khỏe của cây. Việc giám sát và đánh giá sức khỏe của cây tách rời với đội ngũ chăm sóc bảo dưỡng. Trong khi đó, việc chăm sóc và bảo dưỡng cây xanh của chúng ta hiện nay vẫn còn nhọc nhằn.” - TS Lan Thi nói.

Cùng vấn đề này, PGS.TS Chế Đình Lý, Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng trong công viên hiện nay nếu muốn trồng cây cần chọn loài trồng sao cho đúng, chọn những loài có cành nhánh cứng ít gãy đổ. Đồng thời, chúng ta không nên trồng cây bứng mà nên trồng cây ươm từ vườn thì rễ cọc cắm sâu, ít dẫn đến ngã đổ.

“Cây trồng ở công viên nên chọn loài phù hợp, phù hợp thẩm mỹ và theo bố cục của công viên. Những cây có thể trồng ở công viên hiện nay cũng có trong danh sách. Một số nên trồng thành cụm, cây này sẽ chống cây kia nên ít gây ngã đổ. Ngoài ra, nếu muốn trồng cây ở công viên nên đào hố rộng để cây phát triển tốt, chống ngã đổ. Ở Mỹ, nếu họ trồng một cây giá trị 100 USD thì đầu tư hố trồng đến 200 USD” - PGS.TS Chế Đình Lý nói.

Đưa vào quy hoạch càng sớm càng tốt

KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, góp ý khi tổ chức những đô thị mới để chọn cây xanh thì chọn những cây ít tốn kém trong việc bảo trì nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu che bóng mát, sinh thái và tạo cảnh quan đô thị.

Mặt khác, ông Sơn nhận định: “TP hiện nay đang có kế hoạch phát triển TP phía đông, tôi hy vọng khi phát triển TP phía đông sẽ góp phần bù lại không gian xanh TP đang thiếu. Vì vậy, ngay từ đầu TP cần xác định những không gian xanh cần bảo vệ để không chỉ biến nó thành đô thị xanh mà còn biến không gian xanh này bù cho không gian xanh TP đang thiếu”.

Vì vậy, theo ông Sơn cần có ít nhất khoảng 40% cây xanh mặt nước cho TP. Đồng thời, đưa cây xanh mặt nước vào quy hoạch càng sớm càng tốt. 

Đừng đốn nhầm cây xanh còn khỏe
Đừng đốn nhầm cây xanh còn khỏe
(PL)- Nhiều ý kiến lo lắng việc đốn hạ cây xanh từ nhiều đơn vị, người dân như hiện nay sẽ ảnh hưởng tới môi trường không khí đô thị ở TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm