Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang khá trầm lắng (tỷ giá, vàng, chứng khoán) và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản thì với trần lãi suất tiết kiệm tiền đồng 5,5-7%/năm hiện nay vẫn được các nhà phân tích tài chính đánh giá là an toàn, đảm bảo lãi suất thực dương. Các ngân hàng cũng không ngừng gia tăng tiện ích cho người gửi tiền.
Quả thực, hiện thị trường bất động sản đã có dấu hiệu khởi sắc, nhưng chỉ mới thu hút được khách hàng ở phân khúc nhà ở có mức giá phù hợp. Đồng thời, đầu tư vào bất động sản đòi hỏi vốn lớn. Còn với thị trường vàng đang trong vùng nguy hiểm khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã lên kế hoạch tăng thêm ít nhất ba lần lãi suất trong năm 2017.
Thậm chí, có thể ngay trong tháng 3 này Fed sẽ có đợt tăng lãi suất đồng bạc xanh. Vàng đang chịu áp lực giảm giá, nhưng mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước còn khá lớn, lên đến 3-4 triệu đồng/lượng khiến cho người mua trong nước chịu thiệt.
Đối với tỷ giá hối đoái có biến động tăng nhẹ trong thời gian qua được các chuyên gia đánh giá cũng chỉ là nhất thời và cơn gió này chỉ thoảng qua trên thị trường ngoại hối. Chủ trương của Thống đốc NHNN đưa ra trong thông điệp đầu năm nay tiếp tục ổn định tỷ giá. Vì thế, việc tích trữ ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay cũng được đánh giá chưa thực sự có lợi. Bởi lãi suất tiền gửi ngoại tệ hiện đã được kéo về 0%, người gửi tiết kiệm USD không được hưởng lãi suất.
Do đó, theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính – ngân hàng, tiền đồng sẽ khó chuyển hướng sang các kênh đầu tư (bất động sản, vàng hay tỷ giá) trong bối cảnh hiện nay.
Trên thực tế, theo thống kê từ NHNN, tính đến 31-12-2016, tổng huy động vốn tăng 18,38% so với cuối năm 2015, trong đó huy động vốn bằng VND chiếm phần lớn. Điều đó cho thấy gửi tiền nhàn rỗi vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh được lựa chọn của người dân.
Đồng thời, tiền gửi VND của người dân tăng cao trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thấp, phản ánh nguồn tiền này chủ yếu được chuyển đổi từ vàng và ngoại tệ sang tiền đồng.
Với mức lãi suất huy động được các ngân hàng áp dụng dao động 5,5-7%/năm hiện nay tùy từng kỳ hạn ngắn hay dài ngày thì gửi tiết kiệm vẫn là giải pháp an toàn, đó là chưa kể lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài trên 1 năm đang ở mức phổ biến từ 7,2-7,5%/năm nên người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương.
Từ đầu năm 2017 đến nay, không ít ngân hàng đã tung ra các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, quà tặng khác nhau cho người gửi tiền. Đơn cử, tại Vietbank, từ nay đến 31-3, khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm từ 5 triệu trở lên chương trình “Thần tài gõ cửa” sẽ được tham gia bốc thăm “Trúng ngay – trúng thêm – trúng lớn” với giải đặc biệt lên đến 10 lượng vàng.
HDBank với 8.000 phiếu quà tặng đang chờ chủ nhân là khách hàng nữ tới giao dịch gửi tiết kiệm, mở tài khoản thanh toán và mở thẻ ATM tại hệ thống HDBank trên toàn quốc…
Từ nay đến ngày 9-4, mỗi tuần Ngân hàng Maritime Bank sẽ tặng 1 điện thoại di động iPhone 7 cho khách hàng gửi tiết kiệm may mắn.
Ngân hàng VIB cũng chi gần 2 tỷ đồng để tặng các khách hàng tiết kiệm hiện hữu mở sổ tại quầy giao dịch trong thời gian từ 2-2 đến 31-3.
Có thể nói, gửi tiết kiệm đang được đánh giá là kênh gửi vốn an toàn, hưởng lãi suất cao trong bối cảnh hiện nay và xu hướng lãi suất tiền gửi cũng được dự báo khó đảo chiều tăng độ biến trong năm 2017.