Đồng Tháp phối hợp cùng TP.HCM khai thác tuyến du lịch mới Sắc màu vùng biên

(PLO)- Kế hoạch Phát triển du lịch năm 2024, Đồng Tháp cho biết sẽ phối hợp với TP.HCM và các địa phương khai thác tuyến du lịch mới Sắc màu vùng biên (TP. HCM - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang) và khai thác loại hình du lịch đường sông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành kế hoạch Phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp năm 2024.

Theo đó, năm 2024, Đồng Tháp tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với mục tiêu đưa du lịch Đồng Tháp phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững, tái định vị thương hiệu du lịch Đồng Tháp gắn với nâng cao hình ảnh địa phương; nâng tỉ trọng và đóng góp của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế. Phát triển thêm 1 Điểm du lịch cấp tỉnh được UBND tỉnh công nhận Điểm Du lịch đạt theo tiêu chuẩn Luật Du lịch 2017

Phấn đấu năm 2024 du lịch Đồng Tháp thu hút 4,2 triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm; trong đó, có 50.000 khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch đạt 2.000 tỉ đồng.

khai-thac-tuyen-du-lich-dong-thap.jpg
Trải nghiệm đón bình minh ở Vườn Quốc gia Tràm Chim. Năm 2024 Đồng Tháp dự kiến khai thác tuyến du lịch Sắc màu vùng biên. Ảnh: THU TRINH
Khai-thac-tuyen-du-lich-dong-thap.JPG
Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm nhằm lan toả thương hiệu du lịch “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen”

Để thực hiện các mục tiêu này, Đồng Tháp sẽ tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các ngành, các cấp và người dân xem du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, mang tính tổng hợp, tính liên ngành, tính liên vùng và tính xã hội hóa cao, du lịch phát triển sẽ tạo ra nhu cầu, thị trường và động lực để thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển.

Tỉnh phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, kêu gọi đầu tư xây dựng ba bến tàu khách du lịch tại 3 thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc và Hồng Ngự để khai thác loại hình du lịch đường sông. Cùng với đó đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, xây dựng và kết nối tour tuyến du lịch, trong đó tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng cao, khác biệt, có giá trị gia tăng và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên đặc trưng của từng địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Đồng Tháp.

Đồng Tháp đẩy mạnh hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch, hình ảnh địa phương và mời gọi đầu tư, đồng thời phối hợp với TP. HCM và các địa phương khai thác tuyến du lịch mới Sắc màu vùng biên (TP. HCM - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang).Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch với TP. HCM và các tỉnh, thành phố ĐBSCL, để tạo sản phẩm du lịch vùng MeKong, thu hút khách quốc tế, có tính cạnh tranh cao và mở rộng thị phần khách nội địa phía Bắc…

Năm 2023, Đồng Tháp đón và phục vụ trên 4 triệu lượt khách đạt 106,16% kế hoạch (tăng 14,59% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng thu du lịch 1.925 tỉ đồng (doanh thu du lịch tăng gấp 1,8 lần so với năm 2019 trước khi chưa xảy ra dịch bệnh COVID-19, tiếp tục giữ vững vị trí Top 4 khu vực ĐBSCL về lượt khách đến. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 72 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đang hoạt động; trong đó, có 50 điểm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm