Doping đe dọa VĐV Việt Nam

Theo tiết lộ của Cơ quan Chống doping Thế giới (WADA) thì từ 1-1-2016 đến nay đã có 99 trường hợp dương tính với chất doping meldonium. Do các VĐV ở những môn thể thao khác nhau nên WADA chỉ gửi danh sách VĐV bị dính chất này về liên đoàn bộ môn của từng quốc gia mà không công khai tên tuổi.

Lúng túng với chất cấm mà Sharapova dính doping

May mắn cho các VĐV Việt Nam là đến nay chưa liên đoàn nào nhận được thông báo trên. Tuy nhiên, từ việc dính doping hàng loạt ấy lại đặt ra vấn đề làm sao để ngăn ngừa cho VĐV của mình tránh chất cấm ấy thì liên đoàn các bộ môn ở Việt Nam còn rất lúng túng.

Trở lại với việc tay vợt nữ Sharapova bị dính doping, chị đã ủy quyền cho luật sư người Mỹ Haggerty thay mặt để bảo vệ mình. Và luật sư này đã được Sharapova cung cấp hộp thư điện tử của mình liên quan những bức thư nêu danh mục và cảnh báo chất cấm mới trong danh mục của WADA. Luật sư Haggerty ngạc nhiên khi nội dung thư chỉ là những thông tin về các giải đấu mà Sharapova chuẩn bị tham gia. Cụ thể là thư gửi cho Sharapova trong đó hướng dẫn cô đặt vé và đường đi đến Úc để chuẩn bị dự giải Úc mở rộng vào đầu năm 2016. Kèm trong thư là hàng trăm đường link mang tính chất như những thông tin quảng cáo nhiều lĩnh vực thuốc men, du lịch, vé máy bay… Khi click vào các đường link này, người xem muốn vào được buộc phải khai báo để được cung cấp “mật mã”. Vào được rồi thì hàng ngàn thông tin mang màu sắc quảng cáo hiện ra mà không có cụ thể thông tin danh mục chất cấm được cập nhật.

Để khẳng định điều đó, chính Sharapova và luật sư Haggerty mô tả sự thật qua việc công bố hộp thư của mình đến báo chí.

Lý Hoàng Nam thú thật là tự thầy trò mình phòng, chống bằng cách không ăn thức ăn lạ, không uống nước lạ và thuốc lạ chứ nói tránh chất cấm thì kiến thức chung rất mơ hồ. Ảnh: HUY TRẦN

VĐV Việt Nam chống doping theo kiểu trời kêu ai nấy dạ

Trả lời báo Tuổi Trẻ, Phó Giám đốc BV Thể thao Việt Nam đồng thời cũng là Ủy viên Hội đồng Y học LĐBĐ châu Á - ông Nguyễn Văn Phú cho biết các VĐV phải có trách nhiệm cập nhật danh mục chất cấm được WADA thông báo.

Mang chia sẻ trên đi hỏi các VĐV Việt Nam từng tham dự những giải quốc tế thì tất cả đều trả lời mình phải phòng thân bằng việc sắp vào giải thì không dùng thuốc gì. Họ thú thật không biết thành phần thuốc nào có cái gì trong danh mục cấm và cũng chẳng bao giờ vào web nghiên cứu chất cấm khi danh mục thì quá dài và có khi cứ lẫn lộn giữa quảng cáo với danh mục cấm.

Một PV đã hỏi thẳng tay vợt Lý Hoàng Nam về trường hợp Sharapova bị cấm thi đấu vì dính doping với chất meldonium thì Nam ngại ngùng chia sẻ rằng có lẽ đấy là tai nạn chứ những VĐV nhà nghề tiếng tăm như thế thì chẳng dại gì chơi doping. Còn riêng bản thân Nam thì Nam thú thật không biết meldonium là chất gì, có trong thuốc gì và tác dụng ra sao.

Một số đồng đội của Nam trong đội tuyển quần vợt thì chỉ biết qua báo đài thông tin sau khi nữ VĐV Sharapova vướng doping rằng meldonium có tác dụng làm giảm các quá trình tổng hợp acid béo trong cơ thể, làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của nhiều chất khác và tạo năng lượng dẫn đến làm tăng sức bền và tăng năng lực hoạt động của VĐV, giúp có sức chịu đựng tốt hơn.

Nhưng nói là để tránh cả trăm chất cấm trong danh mục của WADA thì chính các HLV và những VĐV của Việt Nam chỉ dặn dò nhau chung chung là không được dùng thuốc gì kể cả khi bị cảm cúm. Đó là cách phòng theo kiểu không ăn thức ăn lạ, không uống nước hay thuốc lạ. Và câu chuyện cảnh giác là VĐV đội thể dục Việt Nam - Ngân Thương dự Olympic bị dương tính với doping vì dùng thuốc giảm béo.

Thậm chí từ khi Ngân Thương bị dính doping đến giờ thì thể thao Việt Nam vẫn hết sức mơ hồ với các loại chất cấm và gần như cứ khoán hết cho các VĐV, còn các VĐV khi được hỏi thì lại nói có HLV lo.

Nguy hiểm là chính các HLV cũng chỉ có khái niệm chung là đừng dùng thuốc gì cả và luôn lo sợ “xui thì dính” hay “trời kêu ai nấy dạ”.

Trường hợp của Sharapova có khả năng bị treo vợt bốn năm vì dương tính với chất cấm. Cũng cần biết là chất cấm được WADA thông báo vào tháng 9 hằng năm trên website của mình rồi đến đầu năm sau sẽ áp dụng. Quy định này buộc tất cả VĐV chuyên nghiệp, các liên đoàn thể thao có trách nhiệm phải cập nhật nhưng với các VĐV và HLV Việt Nam thì họ cần được hỗ trợ, hướng dẫn bởi một hội đồng chống doping nhiều hơn là tự tìm hiểu.

NG.HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm