Chiều 26-1, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo thông tin báo chí dự báo xu thế khí tượng thuỷ văn năm 2024 và triển khai kế hoạch phối hợp thông tin giữa cơ quan khí tượng thuỷ văn và các cơ quan báo chí.
Thông tin về đợt rét hại diện rộng đang diễn ra ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết đợt rét hại diện rộng này bắt đầu từ ngày 20-1. Nhiều nơi ở vùng núi cao phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh đã xảy ra băng giá.
“Chúng tôi dự báo đợt rét hại diện rộng này có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 28-1, tức là kéo dài đến hết tuần này. Trong đợt rét đậm, rét hại diện rộng này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ ghi nhận được là tại Mẫu Sơn -2.9 độ C” - ông Lâm cho biết.
Nhận định về xu thế thời tiết Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp tới, ông Lâm cho hay giai đoạn trước Tết, từ 29-1 đến 5-2 (tức từ 19 đến 26 tháng Chạp), nền nhiệt cả nước có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm. Trong giai đoạn này chưa có đợt không khí lạnh mạnh nào tác động. Ở các tỉnh miền Bắc trời nhiều mây, đêm và sáng có sương mù, trưa chiều có thể hửng nắng, trời rét, ít khả năng xảy ra rét đậm, rét hại.
Giai đoạn từ tuần gần và trong Tết, từ 6 đến 12-2 (từ 27 tháng Chạp đến mùng 3 Tết), nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, có khả năng có không khí lạnh nhưng không mạnh như đợt đang xảy ra.
“Miền Bắc có khả năng rét nhưng ít khả năng rét đậm, rét hại” - ông Lâm nhận định.
Đối với khu vực miền Trung, ở Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, ít khả năng xuất hiện mưa lớn. Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày nắng ráo, miền Đông Nam Bộ có nắng nóng cục bộ.
Năm 2023 là năm nóng nhất trong 174 năm qua
Khái quát về tình hình khí tượng thuỷ văn năm 2023, ông Hoàng Đức Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, cho biết ngày 12-1 vừa qua, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã chính thức xác nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 là năm nóng nhất trong 174 năm qua.
“Nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn khoảng 1.45 độ C so với mức nhiệt độ trung bình nhiều năm thời kỳ tiền công nghiệp giai đoạn 1850-1900. Tổng thư ký Liên hợp quốc đã nêu rõ hiện không còn là ấm lên toàn cầu mà giờ đây thế giới đã chuyển sang kỷ nguyên nung nóng toàn cầu” - ông Cường chia sẻ.
Trong diễn biến chung về nhiệt độ toàn cầu tăng cao, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam cũng cao hơn 1.09 độ C so với trung bình nhiều năm và được ghi nhận là năm có mức nhiệt độ cao thứ hai trong chuỗi số liệu quan trắc. Hầu hết các tháng trong năm đều quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ, đặc biệt là tháng 5, 6. Tại Tương Dương (Nghệ An) đã quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất là 44.2 độ C. Đây là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc.
Với tác động của El Nino, mùa hè thì nắng nóng gay gắt, mùa đông thì rất lạnh. Trong năm 2023 đã xuất hiện 24 đợt không khí lạnh, ít hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, nhiệt độ tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) vào ngày 22-12-2023 đã xuống -2.5 độ C, là giá trị nhiệt độ thấp nhất trong cùng thời kỳ tháng 12 tính theo số liệu ghi nhận tại Mẫu Sơn từ năm 2012 đến nay.