Đường hầm sập 2 tuần, Ấn Độ tính thêm cách dùng tay đào đất cứu 41 nạn nhân

(PLO)- Lực lượng cứu hộ Ấn Độ tính thêm kế hoạch dùng tay đào đống đổ nát để cứu 41 công nhân bị mắc kẹt trong vụ đường hầm sập ở bang Uttarakhand (Ấn Độ), sau 2 tuần cứu hộ chưa tiến triển.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-11, hãng tin AFP đưa tin các kỹ sư quân sự Ấn Độ đang lên kế hoạch đào đất bằng tay để tiếp cận 41 công nhân bị mắc kẹt trong vụ đường hầm sập ở bang Uttarakhand (Ấn Độ), sau 2 tuần nỗ lực cứu hộ giải cứu chưa tiến triển.

Theo kế hoạch, nhân viên cứu hộ sẽ dùng tay dọn sạch đá và đống đổ nát dày trên 9 m, trong bối cảnh nhiệt độ tại khu vực đường hầm sập giảm mạnh.

Lên kế hoạch dùng tay đào đất cứu 41 công nhân trong vụ đường hầm sập ở Ấn Độ
Bên ngoài hiện trường vụ đường hầm sập ở bang Uttarakhand (Ấn Độ). Ảnh: AFP

AFP dẫn lời một quan chức địa phương cho biết: "Các nhân viên tiểu đoàn công binh thuộc quân đội Ấn Độ cùng với các sĩ quan cứu hộ khác đang chuẩn bị dùng tay để dọn dẹp đống đổ nát".

Song song với kế hoạch dùng tay dọn đống đổ nát, lực lượng cứu hộ cũng tiến hành các biện pháp khác để giải cứu các công nhân bị mắc kẹt. Trong đó, họ đã khoan thẳng đứng từ trên xuống để tiếp cận các nạn nhân.

Ông Mahmood Ahmed – một quan chức cấp cao của Bộ Giao thông đường bộ và đường cao tốc Ấn Độ – cho biết: “Việc khoan dọc từ trên xuống đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng”. Theo ông Ahmed, công việc này đang diễn ra với “tốc độ tối đa nhưng vẫn thận trọng”.

Theo AFP, chiều dài của đoạn đường khoan từ trên xuống khu vực các công nhân bị mắc kẹt dài khoảng 89 m. Nhân viên cứu hộ đã đào được khoảng 1/4 đoạn đường này.

Cùng với 2 kế hoạch trên, lực lượng cứu hộ cũng đang đào thêm một con đường khác, mong sớm tiếp cận các nạn nhân. Ước tính, con đường này nếu đào xong sẽ dài khoảng 480 m.

Về tình trạng của các công nhân bị mắc kẹt, họ được cung cấp những bữa ăn nóng, oxy qua các đường ống. Ngoài ra, từ bên ngoài đường hầm, một nhóm bác sĩ cũng được điều động để theo dõi từ xa sức khỏe của các công nhân bị mắc kẹt.

Thủ hiến bang Uttarakhand – ông Pushkar Singh Dhami cho biết các công nhân bị mắc kẹt đang có tinh thần tốt. “Đừng lo lắng, tất cả công nhân bị mắc kẹt sẽ được đưa ra ngoài an toàn” – ông Dhami nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm