EU bàn về gói trừng phạt thứ 10, sẽ nhắm các mục tiêu nào và Nga sẽ thiệt hại ra sao?

(PLO)- Liên minh châu Âu (EU) bàn về gói trừng phạt thứ 10 nhắm tới nhiều mục tiêu của Nga, dự kiến khiến nước này tổn thất hơn 11 tỉ USD.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-2, các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức một cuộc họp tại thủ đô Brussels (Bỉ) để bàn về gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, gói trừng phạt mới này dự kiến khiến Nga thiệt hơn 11,8 tỉ USD, theo hãng tin Reuters.

Bà Leyen cho biết, trong gói trừng phạt mới này EU sẽ nhắm tới nhiều mục tiêu của Nga, trong đó có lĩnh vực tài chính, xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng, vũ khí, và các loại linh kiện điện tử khác.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP

Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP

Theo đó, EU sẽ cắt 4 ngân hàng của Nga ra khỏi Tổ chức SWIFT (tổ chức cung cấp các dịch vụ liên quan đến thực hiện các giao dịch tài chính và thanh toán giữa các ngân hàng trên thế giới có trụ sở tại Bỉ); ngừng nhập khẩu các sản phẩm cao su và nhựa đường từ Nga; cấm Nga nhập khẩu các loại vi mạch và linh kiện điện tử, các loại thép và nhôm và máy móc được dùng trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.

Ngoài ra, EU còn đề xuất thực hiện hạn chế nhiều hơn nữa đối với các liên doanh của châu Âu với Nga và các công dân Nga tham gia vào hội đồng quản trị ở châu Âu.

Bà Leyen còn cho biết thêm EU có thể nhắm mục tiêu Iran trong gói trừng phạt mới này vì nước này đã có những hành động được cho hỗ trợ Nga trong xung đột với Ukraine.

Bà Leyen còn nhấn mạnh rằng gói trừng phạt thứ 10 dự kiến sẽ được công bố trước ngày 24-2 - thời điểm đánh dấu 1 năm xung đột Nga-Ukraine bùng nổ. Tuy nhiên, hiện các đề xuất trên hiện vẫn chưa đạt được sự đồng thuận từ các thành viên trong khối.

Theo Reuters, mục tiêu của gói trừng phạt này là vừa mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga vừa khắc phục các lỗ hổng trong các biện pháp trừng phạt hiện có, trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ hơn lĩnh vực xuất nhập khẩu của Nga với các nước khác.

Bên cạnh đó, các nước EU cũng sẽ nỗ lực theo dõi các khoản tài sản bị đóng băng của Nga ở châu Âu nhằm tìm cách chuyển các tài sản này cho Ukraine tái thiết sau các thiệt hại do xung đột Moscow-Kiev gây ra. Theo các quan chức EU, tính tới nay, khối này đã đóng băng khoảng 33,8 tỉ euro (hơn 36 tỉ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga trên lãnh thổ châu Âu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm