Những trận cầu EURO 2020 đang diễn ra ngay giữa thời điểm dịch COVID-19 vẫn hoành hành. Những trận đầu tiên của giải đấu đã diễn ra và chiến thắng thuộc về các đội lớn, có bề dày thành tích.
Xem EURO năm nay cũng khá đặc biệt, nó kém hừng hào và náo nhiệt cũng vì dịch. Dịch COVID-19 đang diễn ra, người hâm mộ trái bóng ở Việt Nam cũng vừa xem vừa chống dịch: tiếng reo hò, la hét cũng "bớt sướng" đi vì lớp khẩu trang. Hàng quán không nhiều người tụ tập để xem vì phải vừa coi đá bóng vừa phải thực hiện 5K. Dịch giã không đùa được.
Mùa giải EURO 2020 này nhờ dịch mà tôi có thêm bạn đồng hành xem từng trận đấu-đó là cậu con trai 9 tuổi của tôi. Những mùa trước tôi ra hàng quán xem với bạn bè. Nó lại còn nhỏ nên bắt phải lên giường ngủ sớm. Giờ nó đã biết yêu thích và sưu tầm thẻ có hình Neymar, Lewandowski, Messi, C.Ronaldo...
Có nó cùng ngồi xem như có chất xúc tác gợi lại những kỉ niệm tuổi thơ. Cùng tầm tuổi nó bấy giờ, tôi ham quả bóng thức trắng đêm cùng người lớn theo tiếng gọi của những mùa EURO 96 tới World Cup 98. Cứ gần tới mùa giải là tôi mua lịch thi đấu các đội bóng về treo trên tường.
Bây giờ bóng đá thực dụng hơn, nhìn đội nào đá đường nét cũng như nhau. Ngày xưa các trận so găng giữa các đội bóng ngập tràn màu sắc của môn thể thao vua. Mỗi đội mỗi style riêng, nói đến Ý là sự lịch lãm quý phái; nói đến Hà Lan là mang đến cảm xúc của những cơn lốc; nói tới Đức là cổ xe tăng bất khả xâm phạm; rồi người Pháp lãng mạn; người Anh với những cú chạy biên thục mạng, tạt cánh đánh đầu cuốn hút…
Mỗi lần đội Ý ra sân dù giữa đêm khuya các cô, các mẹ cũng bật dậy xem bằng được rồi tấm tắc khen: "răng mà hắn đẹp trai, lịch lãm chi lạ rứa hè". Coi đá bóng thì ít mà coi trai đẹp thì nhiều. Lỡ cầu thủ đội bạn đụng vô "trai đẹp" của mình là các chị lại gào lên như muốn xé xác họ ra.
Rồi mỗi đội đều có những cá nhân kiệt xuất, từ cầu thủ tới thủ môn với nhiều cá tính khác nhau. Đúng là những nghệ sĩ sân cỏ, hoa mỹ và mãn nhãn nhưng đầy ngẫu hứng. Có lẽ theo năm tháng nên lối đá, cách nhìn nhận về trái bóng giờ cũng đã thay đổi.
Đang ngồi xem lâu lâu tôi lại giật thót tim vì tiếng cậu nhỏ nhảy chồm lên hò hét khi bóng vào lưới. Hét xong nó hỏi hết cầu thủ này đá ở câu lạc bộ nào, rồi dự đoán tỉ số như cái thằng tôi hồi đó. Những mò mẩm đầu tiên để bước vào tình yêu đầy đam mê với trái bóng.
Bóng đá của những năm 1990, cả làng tôi chỉ một vài nhà khá giả mới có được chiếc tivi Nhật nội địa hàng cũ nhập về qua Cảng Cửa Lò. Những trận đấu có hình mất tiếng, có tiếng mất hình gián đoạn tới mấy chục lần. Màn hình đứng, tiếng được tiếng mất giữa lúc trận bóng đang hay là lao tới đập bôm bốp vào cái tivi đến khi trở lại trạng thái bình thường mới thôi.
Các mùa giải đá toàn vào mùa gặt. Ở quê, hàng xóm toàn đi gặt giùm nhau. Người lớn đi gặt lúa ngoài đồng, mấy đứa nhỏ ở nhà kéo nhau ra ao bắt ốc. Trưa mẹ về ngâm nước gạo, cắt ớt đỏ để làm sạch. Đến tối, khi lúa đã tuốt xong, rơm chất cao như núi cũng vứt đó để coi bóng đá cái đã.
Chị em phụ nữ ra hái ít lá chanh bỏ vào nồi ốc hấp lên cho đàn ông uống rượu coi đá banh. Nấu nồi cháo gà có khi là cháo cá ăn còn có sức thức để xem mai lại ra đồng. Cả làng vào mùa gặt tụ tập coi bóng đá vui vô cùng.
Các mùa giải sau bắt đầu có tivi màu nét hơn, bia hơi Vida và trứng vịt lộn về tới xóm. Mua chục trứng lộn, nhổ một rổ lạc (đậu phộng) luộc lên kèm thêm mấy ca bia hơi mang về vừa coi vừa uống túc tắc suốt đêm. Coi xong ngủ tại chổ rồi mai lại ra đồng đi gặt khoẻ như trâu.
Giờ tivi màn hình phẳng to đùng lại truyền từ vệ tinh sắc nét, bia cùng mồi nhậu không thiếu thứ gì nhưng vẫn thèm cái không khí ngày xưa ấy. Rồi đây khi bạn nhỏ nhà tôi lớn lên chắc lại có cảm xúc như bố nó, thèm khát giây phút được thức suốt đêm cùng mọi người ở chung cư bịt kín khẩu trang coi đá banh đầy hào hứng. Nó lại kể chuyện về quả bóng kèm dịch bệnh cho mọi người nghe.