Gặp khó khăn, nhiều nhà kinh doanh phải trả mặt bằng

(PLO)- Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp vẫn đối mặt với 3 vấn đề: thị trường, vốn và pháp lý. Một số quy định, thủ tục hành chính vẫn chưa được cắt giảm triệt để, gây khó cho doanh nghiệp. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều nhà kinh doanh phải trả mặt bằng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, bất ổn, khó lường hơn, có những yếu tố thay đổi rất nhanh, nằm ngoài khả năng dự báo, tạo sức ép lớn lên tăng trưởng.

Thực tế hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, xuất khẩu… mặc dù đã phục hồi tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở các thành phố lớn phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê ở cả các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm.

Áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng đối với hàng hóa Việt Nam ở cả thị trường trong nước và quốc tế, và cả trong thu hút FDI.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1 đạt 5,66% so với cùng kỳ, cao hơn kịch bản đề ra và là mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN, nhưng nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Về phía cung, khu vực nông nghiệp tăng trưởng ổn định, khó tạo bứt phá cho tăng trưởng kinh tế chung. Khu vực công nghiệp khó chuyển biến nhanh do phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, các nền kinh tế lớn. Khu vực dịch vụ, du lịch có chuyển biến, nhưng thiếu yếu tố đột phá, cạnh tranh gay gắt từ các điểm đến quốc tế.

Các ngành, lĩnh vực động lực mới cho tăng trưởng như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chíp, bán dẫn… còn chậm, nguy cơ không bắt kịp được với các nước trên thế giới, khu vực, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước đã ban hành các gói chính sách quy mô lớn để thúc đẩy.

Doanh nghiệp vẫn đối mặt với 3 vấn đề lớn về thị trường, vốn và pháp lý; một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để.

Một số bộ, ngành, địa phương, trong một số trường hợp chưa thực sự theo sát, đồng hành cùng doanh nghiệp; chưa coi khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình để đồng hành tháo gỡ, hỗ trợ.

Tăng trưởng xuất khẩu cũng đối mặt với không ít khó khăn từ thị trường thế giới; áp lực cạnh tranh gia tăng; rủi ro bị áp thuế chống bán phá giá và các rào cản thương mại mới.

Đề xuất thành lập Ban chỉ đạo cải cách nhà nước

Tại buổi gặp mặt báo chí chiều ngày 19-6, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, doanh nghiệp trong nước đang rất khó khăn, không đủ sức để lớn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của FDI.

Thủ tục hành chính
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ này đã đề xuất thành lập Ban chỉ đạo cải cách nhà nước, do Thủ tướng làm trưởng ban. Ảnh: MPI

Theo đó, thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục tập trung tham mưu với Chính phủ các giải pháp, chính sách để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và đạt cao nhất Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Cơ quan này cũng đang giao Tổng cục thống kê khảo sát tình hình hoạt động, đóng cửa của doanh nghiệp hiện nay.

Bộ KH&ĐT đề xuất tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, kịp thời tháo gỡ ngay các quy định, thủ tục hành chính, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết, gây khó khăn, vướng mắc, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết, Bộ này đã đề xuất thành lập Ban chỉ đạo cải cách nhà nước, do Thủ tướng làm trưởng ban.

Ngoài ra, Bộ sẽ tham mưu xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh; quy định về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp "đầu đàn" và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Bộ KH&ĐT tiếp tục chú trọng làm tốt công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật. Trong đó, xây dựng, trình Quốc hội Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8.

Bộ trưởng cho rằng các doanh nghiệp cần được hỗ trợ từ Nhà nước. Lấy ví dụ, ông Dũng cho biết doanh nghiệp Việt muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của nhà đầu tư ngoại nhưng không dễ dàng, bởi gặp khó trong việc tiếp cận công nghệ lõi đang nằm trong tay tập đoàn lớn, hay chuỗi cung ứng đã có quan hệ sẵn với nhau. Trong khi, hàng Việt Nam không dễ cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm