Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ trả lời những vấn đề nóng của ngành

(PLO)- Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ trả lời chất vấn về nhiều nội dung nóng của ngành như tiến độ công trình trọng điểm, ùn tắc giao thông, quy hoạch giao thông.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-12, tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ, trong phần chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu đã hỏi lãnh đạo Sở GTVT về kế hoạch mở rộng một số tuyến đường trọng điểm trên địa bàn TP, tiến độ công trình trọng điểm, giải quyết ùn tắc giao thông...

Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng trả lời chất vấn ngày 9-12. Ảnh: NHẪN NAM

Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ Lê Tiến Dũng trả lời chất vấn ngày 9-12. Ảnh: NHẪN NAM

Vẫn giữ quy hoạch đường Nguyễn Văn Linh 80m

Ông Lê Tiến Dũng Giám đốc Sở GTVT cho biết, quy hoạch ngành giao thông theo định hướng phát triển TP trong từng thời kỳ. Các dự án giao thông phải có quy hoạch mới xây dựng, mà muốn xây dựng được phải cân đối nguồn lực từng thời kỳ và mức độ ưu tiên của từng thời kỳ cho sự phát triển của TP. Ví dụ nhiệm kỳ này TP đầu tư một số tuyến đường tỉnh, một số tuyến đường đô thị.

Đối với các tuyến đường như Nguyễn Văn Linh mới đầu tư giai đoạn 1, mặt đường mới từ 11 - 29m, trong quy hoạch vẫn quy hoạch đường này là 80m. Trong quy hoạch tích hợp (đang làm – PV), Sở GTVT đề xuất vẫn giữ quy hoạch đường này 80m vì đây là đường chính đô thị, rất quan trọng.

Ông Dũng cho biết, trong nhiệm kỳ sau, tùy theo nguồn lực và thứ tự ưu tiên, ngành sẽ đề xuất và đưa vào xem xét cân đối vốn một số đường mới làm giai đoạn 1 như đường Quốc lộ 91B - Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 61C, đường Nguyễn Văn Cừ đoạn thị trấn Phong Điền.

Tiến độ nhiều công trình chậm

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thanh Phương về tiến độ các công trình giao thông trọng điểm chậm, công tác duy tu chưa kịp thời, Giám đốc Sở GTVT cho biết, hiện nay TP đang triển khai rất nhiều công trình trọng điểm, trong đó giao cho rất nhiều chủ đầu tư đường tỉnh 921, 917, 918, vành đai phía Tây, đường nối Cách Mạng Tháng Tám – đường 918, cầu Trần Hoàng Na và hai cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, Sóc Trăng- Cần Thơ – Châu Đốc.

“Tiến độ nhìn chung, Sở GTVT nhìn nhận việc này là chậm” – ông Dũng cho hay.

Theo ông Dũng, nguyên nhân chậm là do công tác chuẩn bị đầu tư chậm; công tác giải phóng mặt bằng dự kiến khoảng 5.000 hộ - số lượng rất lớn; công tác tái định cư không có sự chủ động do nhiều khu tái định cư vẫn đang triển khai, số hộ cần tái định cư trên dưới 1.000 hộ.

một số đơn vị thi công chưa tập trung triển khai dự án; tăng tổng mức đầu tư dự án do giá cả vật liệu xây dựng biến động lớn, chi phí giải phóng mặt bằng tăng khiến một số dự án đội vốn…

Thời gian tới, ông Dũng cho biết sẽ tập trung vào 4 phương án để đẩy nhanh tiến độ.

Đường Vành đai phía Tây vừa làm lễ khởi công hồi tháng 11-2022. Ảnh: NHẪN NAM

Đường Vành đai phía Tây vừa làm lễ khởi công hồi tháng 11-2022. Ảnh: NHẪN NAM

Về duy tu sửa chữa hạ tầng giao thông, Giám đốc Sở GTVT cho biết “đúng là chưa kịp thời”. Theo ông Dũng, TP đang quản lý 3.300 km đường bộ, trong đó chia ra các cơ quan là Sở GTVT, UBND quận, huyện và Chi cục quản lý đường bộ.

Tổng nguồn vốn chi cho sửa chữa trong năm 2022 là 269 tỉ, trung bình khoảng 80 triệu/km. Sở cho rằng việc bố trí này cơ bản đáp ứng yêu cầu, đúng yêu cầu thì phải trên dưới 100 triệu/km.

Theo ông Dũng, vừa qua tất cả các đơn vị đều tập trung việc duy tu sửa chữa trải đều các tháng, nhưng chủ yếu tập trung các tháng cuối năm sau đợt triều cường tháng 11 kết thúc mới tập trung dặm vá. Việc này đôi lúc, đôi khi không thường xuyên, Sở GTVT xin nhận trách nhiệm này và sẽ chỉ đạo thời gian tới cố gắng dàn trải các tháng.

Ùn tắc giao thông đã đến mức báo động

Người đứng đầu ngành giao thông Cần Thơ cho rằng “vấn đề ùn tắc giao thông của TP, đặc biệt là ở quận Ninh Kiều đã đến mức báo động rồi, nếu như chúng ta không có các giải pháp trong thời gian tới thì vấn đề kẹt xe cũng giống như TP.HCM và Hà Nội.

Đại biểu HĐND TP Cần Thơ Huỳnh Thanh Phương nêu câu hỏi chất vấn ngành GTVT. Ảnh: NHẪN NAM

Đại biểu HĐND TP Cần Thơ Huỳnh Thanh Phương nêu câu hỏi chất vấn ngành GTVT. Ảnh: NHẪN NAM

Sở GTVT đánh giá có 6 nguyên nhân chính. Một là tỉ lệ đất dành cho giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, (Cần Thơ là đô thị loại 1 thì đất dành cho giao thông là 22-26% nhưng Ninh Kiều chỉ đạt 12%).

Hai là phương tiện cá nhân gia tăng đáng kể, tổng phương tiện hơn 1 triệu, tỉ lệ tăng phương tiện cá nhân hàng năm từ 10-12%. Trong 10 năm tỉ lệ đất dành cho giao thông có đầu tư nhưng chỉ tăng 2%. Chênh lệch gia tăng phương tiện cá nhân và đầu tư kết cấu hạ tầng cho giao thông lớn.

Ba về vị trí địa lý, TP là trung tâm vùng, nên lượng khách tham quan, du lịch, học tập, khám bệnh đông, là thách thức cho hạ tầng giao thông;

Bốn là các trục đường chính và nút giao thông chưa được mở rộng, không gian đô thị chưa mở rộng và chưa có các tuyến đường vành đai.

Năm là giao thông công cộng chưa xứng tầm, hiện nay chỉ đáp ứng 1% nhu cầu.

Sáu là việc ứng dụng giao thông thông minh chưa làm, hầu như các nút giao thông lớn hầu như điều tiết bằng thủ công.

Giải pháp hạn chế ùn tắc là mở thêm một số trục giao thông lớn để đưa quỹ đất giao thông lên 26%, cập nhật bãi đỗ xe; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm; phát triển thêm vận tải hành khách công cộng hiện đại; quản lý giao thông thông minh (Sở triển khai gói thầu trên dưới 50 tỉ quản lý 12 nút giao thông)...

Ngoài ra, nhiệm kỳ này, TP tập trung vào giao thông kết nối là chính, giao thông trong đô thị cũng quan tâm. Giai đoạn tiếp theo, Sở đề xuất phát triển giao thông đô thị để làm sao cải thiện tình trạng ùn tắc.

Tính toán chừa quỹ đất cho giao thông

Sau khi nghe ý kiến của Giám đốc Sở GTVT, ông Phạm Văn Hiểu – Chủ tịch HĐND TP cho rằng, quy hoạch tích hợp phải lưu ý làm cho đúng, trước hết là về giao thông, các tuyến đường, bến bãi.

“Sự phát triển của TP không thể tách rời với cái này. Giao thông là huyết mạch cho nên sự phát triển của TP về tương lai, tất nhiên quy hoạch này chỉ 10 năm nhưng nó định hướng cho sự phát triển của TP hàng chục, hàng trăm năm nữa, nhất là các quy hoạch giao thông có tính chất hiện đại đòi hỏi phải tính toán để chừa quỹ đất” – ông Hiểu lưu ý.

Cũng theo ông Hiểu, các tuyến đường mới làm giai đoạn 1 thì sẽ làm giai đoạn 2 để theo kịp sự phát triển của giao thông nói riêng và sự phát triển của TP nói chung, căn cứ tính hình phát triển giao thông, yêu cầu đi lại, khả năng cân đối để làm.

“Tuy nhiên vấn đề đặt ra đối với quản lý đất hai bên đường hoặc đơn nguyên còn lại, cái này thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, bên cạnh quản lý chuyên ngành của sở. Vai trò của địa phương rất quan trọng, nếu quản lý không tốt thì xảy ra việc lấn chiếm, xây dựng không phép, trái phép, thậm chí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đó luôn, nên phải lưu ý, quản lý tốt hai bên đường” – Chủ tịch HĐND TP nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy