Tại hội thảo "Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024&", tổ chức sáng ngày 26-3, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - đánh giá kinh tế tư nhân đóng góp gần 50% GDP; 85% việc làm; 18% vào ngân sách nên vô cùng quan trọng.
Cần gỡ khó cho bất động sản
“Tuy nhiên, khu vực này đang chững lại khi ban hành Nghị quyết 10. Khu vực này đã được đẩy và thông thoáng hay chưa trong khâu thực thi về môi trường đầu tư kinh doanh? Thực tế, chúng tôi khá sốt ruột”, ông Lực băn khoăn.
Nhìn nhận thẳng thắn từ thực tiễn trên thị trường, ông Lực cho rằng doanh nghiệp tại Việt Nam có cải tiến nhưng so với các nước khác vẫn có khoảng cách rất lớn, còn thiếu cách quản trị đẳng cấp và quốc tế.
Thậm chí, vị chuyên gia này đánh giá thị trường Việt Nam có tầm nhìn ngắn nên chưa chú trọng đầu tư vào khoa học - công nghệ, R&D, chưa kể bản thân doanh nghiệp cũng có một số vi phạm pháp luật, đạo đức kinh doanh.
Do đó, cần quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh về vướng mắc vốn, đất đai, khoa học công nghệ. Đặc biệt cần tổng kết về luật, hay câu chuyện về thị trường vốn, hệ thống ngân hàng cơ cấu lại nhanh hơn, tốt hơn và đẩy mạnh huy động vốn doanh nghiệp như trái phiếu doanh nghiệp.
Đặc biệt cần gỡ khó cho bất động sản. "Tôi bảo lưu dự báo về thị trường bất động sản, thực ra đang phục hồi, như TP.HCM giải ngân tăng 15 - 20%, tích cực hơn nhiều nước trên thế giới", ông Lực khẳng định.
Giấy phép là trở ngại lớn
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng lắng nghe những vướng mắc, chia sẻ của nhiều doanh nghiệp.
Đứng từ góc nhìn của doanh nghiệp, là một nhà đầu tư nước ngoài hiện đang kinh doanh tại Việt Nam, ông Bolat Duisenov – Chủ tịch CTCP Xây dựng Coteccons - chia sẻ trong suốt 15 năm làm việc tại Việt Nam, thì giấy phép là một trở ngại lớn đối với doanh nghiệp.
Nêu rõ hơn về trải nghiệm này, ông Bolat Duisenov cho biết khi các công ty FDI đến Việt Nam, họ sẽ gặp Chính phủ đầu tiên sau đó là các công ty xây dựng. Mặc dù Việt Nam sở hữu lợi thế giỏi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều cam kết ổn định nhưng vấn đề giấy phép vẫn khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài phải dè chừng.
Bên cạnh đó, các vấn đề khác được các nhà đầu tư quan tâm và còn tồn tại vướng mắc còn là sự khác biệt văn hoá; chất lượng của nhân sự; các nhà cung cấp…
Dù vậy nhìn vào điểm tích cực, Chủ tịch Coteccons cho rằng Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện rất nhiều biện pháp để tháo gỡ những khó khăn kể trên, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt thu hút nguồn vốn FDI.
“Dòng vốn FDI mang đến rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt, nhìn vào bức tranh gần đây có những mảng xám nhưng không có vấn đề gì quá lớn. Chúng ta vẫn sẽ còn nhiều cơ hội lớn”, ông Bolat Duisenov nói.