Giờ Trái đất và những hành động sai lầm

Giờ Trái đất khởi nguồn từ sáng kiến của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF). Mục đích kêu gọi cộng đồng đề cao việc tiết kiệm điện năng, giúp giảm lượng khí thải CO2. Đồng thời, nâng cao ý thức của con người đến việc bảo vệ môi trường. Điều này được thực hiện bằng cách vận động hộ gia đình, cơ sở kinh doanh tắt các thiết bị điện không cần thiết trong vòng một giờ đồng hồ (từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30) vào thứ Bảy cuối cùng của tháng Ba hằng năm (năm 2014 rơi vào ngày 29-3 vừa qua). Tùy theo tình hình thực tế mà mỗi quốc gia, địa phương sẽ có kế hoạch triển khai khác nhau nhưng vẫn bám theo tôn chỉ của chiến dịch. Tuy nhiên, một số quan niệm, hành động sai lầm vẫn còn tồn tại làm mất đi ý nghĩa đặc biệt của Giờ Trái đất.

 
Đội xe đạp của Giờ Trái đất xanh 2014 chuẩn bị cho chiến dịch tuyên truyền. Ảnh: NGỌC CHÂU

Cúp điện hưởng ứng Giờ Trái đất nhưng thay vào đó nhiều người lại thắp nến (!). Bạn hãy nhớ rằng khi đốt nến sẽ sản sinh ra một lượng khí CO2. Nếu tưởng tượng trong một giờ đồng hồ, mọi người trên Trái đất này cùng đốt nến thì vô tình tạo ra một lượng CO2 đáng kể. Những hành động tưởng chừng nhỏ nhặt này góp phần tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu, đại dương; tăng số lượng mây bao phủ xung quanh Trái đất; băng tan, mực nước biển dâng cao; thay đổi điều kiện sống bình thường của loài sinh vật. Ngoài ra, các hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng; xuất hiện nhiều loại bệnh tật mới, dịch bệnh lan tràn, suy giảm sức khỏe con người. Điều này chắc chắn trái lại với ý nghĩa bảo vệ môi trường của chiến dịch.

Ủng hộ Giờ Trái đất, nhiều người, nhất là thanh niên trẻ rủ nhau chạy xe máy ra đường, cá biệt có nhiều trường hợp lái xe theo đoàn, lạng lách, đánh võng, rú ga, bấm còi liên hồi. Hành động này làm cho không khí càng thêm ô nhiễm, ảnh hưởng an toàn giao thông và tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Bác Đình Thuấn (Bình Thạnh) cũng góp ý rằng: “Để làm cho Giờ Trái đất đúng ý nghĩa của nó, tôi nghĩ mọi người khi đến tham gia sự kiện hãy bỏ xe máy, ô tô ở nhà, thay vào đó là sử dụng xe đạp hoặc các phương tiện công cộng, đừng chạy xe máy đến nơi, gửi vào bãi rồi lại đi tuyên truyền cho nhau về giảm ô nhiễm môi trường”.

Một số bộ phận cộng đồng chưa hiểu rõ thế nào là Giờ Trái đất. Họ vẫn cho rằng tắt đèn là một việc làm bắt buộc, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày “Đây không phải ý tưởng hay vì nếu tắt đèn, cúp điện thì tại các bệnh viện, bệnh nhân sẽ như thế nào, các siêu thị mà cúp điện thì đồ ăn đồ uống trữ lạnh sẽ hỏng hết, như thế lại lãng phí nữa” hay “Chỉ cần tiết kiệm điện vào Giờ Trái đất để hưởng ứng phong trào, còn những giờ khác thì vẫn xài vô tư”. Ở đây có một điều chúng ta cần lưu ý là Giờ Trái đất không hề bắt buộc ai cũng phải tắt đèn. Thay vào đó, chiến dịch muốn nhắc nhở bạn rằng hãy tắt những thiết bị điện khi không cần thiết sử dụng. Quan trọng hơn nữa là nâng cao ý thức của chính bạn và việc tiết kiệm năng lượng cần diễn ra ở tất cả ngày trong năm.

Cúp điện hưởng ứng Giờ Trái đất, mọi người ra đường quây quần, tâm sự với nhau. Thế nhưng hết Giờ Trái đất, ai về nhà nấy và bỏ lại sau lưng một đống rác to tướng. Bạn hãy nhớ, chúng ta đừng nên hưởng ứng cho có, như thế sẽ làm mất đi ý nghĩa chiến dịch. Nếu không tham gia dọn dẹp rác thải, chí ít bạn cũng đừng nên xả rác. Có ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng trước mắt là có lợi cho bản thân mình, sau đó là cộng đồng xung quanh. Điều này phản ánh đúng tầm nhận thức của bạn cao đến đâu. (Theo Sở TN&MT TP.HCM).

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm