Là cố vấn hàng đầu cho chính quyền Hong Kong, ông Bernard Chan đang tìm kiếm bất kỳ người biểu tình nào có thể đạt được thỏa thuận chấm dứt ba tháng bất ổn vì biểu tình tại TP này, theo hãng tin Bloomberg.
Theo hãng tin Bloomberg, trong những bữa ăn trưa với người biểu tình và nói chuyện với những người bạn phản đối chính quyền Hong Kong, ông Chan thường nghe nói rằng những cuộc biểu tình sẽ chấm dứt nếu Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đồng ý thậm chí hai trong năm yêu cầu của người biểu tình.
Nhưng không ai ông Chan gặp có thể đảm bảo với ông rằng những người khác sẽ không xuống đường biểu tình dù sau khi bà Lam thông báo chính thức rút dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa người phạm tội sang Trung Quốc đại lục xét xử.
Ông Bernard Chan, cố vấn hàng đầu của chính quyền Hong Kong. Ảnh: BLOOMBERG
“Một mình anh dừng lại không có nghĩa cả phong trào dừng lại, nếu vậy thì tôi đàm phán với ai chứ? Tôi không thể thuyết phục chính quyền ngồi lại đàm phán vì không biết đang thương lượng với ai” - ông Chan nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 6-9, trước khi diễn ra vụ đụng độ mới nhất hồi cuối tuần qua.
Cũng theo Bloomberg, việc thiếu vắng một nhà lãnh đạo rõ ràng của các cuộc biểu tình là một trong những lý do chính khiến các cuộc biểu tình ở Hong Kong vẫn tiếp tục và không có dấu hiệu kết thúc.Trong cuộc biểu tình Chiếm lĩnh Trung Hoàn hồi năm 2014, chính quyền Hong Kong có thể bắt những nhà lãnh đạo biểu tình chủ chốt và tống giam họ. Còn bây giờ, các nhóm biểu tình biết cách bảo vệ danh tính của mình và tổ chức kêu gọi trên các nền tảng trực tuyến như Telegram hay diễn đàn trực tuyến LIHKG nên khó theo dõi.
“Một số đảm bảo có thể cần thiết để thuyết phục những người đại diện của các nhóm biểu tình lộ diện. Về phía chính quyền, có quá nhiều sự chần chừ đến nỗi khiến tôi hoàn toàn không tin rằng họ muốn đối thoại, huống hồ là đàm phán, nghĩa là đưa ra các nhượng bộ” - GS Jean-Pierre Cabestan tại ĐH Hong Kong Baptist cho hay.
Người biểu tình Hong Kong kéo đến tổng lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong ngày 8-9. Ảnh: BLOOMBERG
Thay vì “chiếm” một khu vực nhất định như trong quá khứ, những người biểu tình giờ đây tổ chức các sự kiện khắp TP và nhanh chóng phân tán đến địa điểm mới một khi cảnh sát dùng hơi cay. Chiến lược này được áp dụng khi Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), thủ lĩnh nổi bật nhất của phong trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn năm 2014, được trả tự do hôm 17-6. Hôm đó, những người biểu tình tập trung ở quận Admiralty, rồi di chuyển tới các trụ sở cảnh sát ở Wan Chai và rồi kéo tới tòa nhà Cục Quản lý xuất nhập cảnh.
Hoàng Chi Phong đã bị bắt trong thời gian ngắn vào cuối tuần này.
Người biểu tình Hong Kong đã giành được chiến thắng đầu tiên khi bà Lâm tuần trước chính thức rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Tuy nhiên, các yêu cầu khác như thành lập ủy ban điều tra độc lập hành động của cảnh sát khi trấn áp biểu tình, loại bỏ từ “bạo động” khi nói về người biểu tình, tha bổng những người biểu tình bị bắt và tổ chức bầu cử phổ thông đã bị bác.
Bà Lam ngày 3-9 kêu gọi người biểu tình chấm dứt việc phá hủy các cơ sở công cộng và nói rằng bạo lực nguy cơ chia rẽ Hong Kong hơn nữa sau một tuần chứng kiến các nhóm nhỏ người biểu tình châm lửa đốt và phá hoại các ga tàu điện ngầm.
“Sự leo thang và bạo lực tiếp diễn không thể giải quyết những vấn đề hiện tại của xã hội” - bà Lam nói.
Hoàng Chi Phong đến tòa án ngày 30-8. Ảnh: BLOOMBERG
Ông Chan ước tính hơn 2.000 người cấp tiến đang kiểm soát các cuộc biểu tình, theo sau là hàng ngàn người khác. Tuy nhiên, ông tin rằng các cuộc biểu tình này không phải hoàn toàn là không có lãnh đạo hoặc ít nhất là có một lực lượng bí mật nào đó đứng sau ủng hộ, dù ông không có bằng chứng.
"Tôi cá là có người nào đó, ở đâu đó. Dù họ có phải là người nước ngoài hay không, tôi không có ý kiến. Nhưng tôi phải nói rằng, không thể nói đây chỉ là phong trào của người dân. Có gì đó nhiều hơn thế" - ông Chan nhấn mạnh.