Hai bộ trưởng “xử” nhiều vụ hóc búa

Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (ngang cấp bộ trưởng) lần đầu tiên thực hiện chức trách của mình theo Luật Tiếp công dân. Từ 8 giờ sáng tới 16 giờ 30 chiều 22-7, cả hai đã tiếp những người dân đang nhiều năm theo đuổi khiếu nại, tố cáo về những vụ việc mà bản thân họ chưa thỏa mãn với cách giải quyết của địa phương nên phải đeo đuổi, ăn chực nằm chờ ở trụ sở tiếp dân trung ương, đặt tại Hà Đông, Hà Nội.

Đối thoại căng thẳng

Nóng bỏng nhất là cuộc khiếu kiện của giáo dân Cồn Dầu, liên quan tới dự án khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, Đà Nẵng. Tính chất gay gắt của vụ việc không chỉ biểu hiện ở sự đối đầu của cộng đồng giáo dân với chính quyền địa phương mà còn xuất hiện ngay trong buổi tiếp của hai bộ trưởng. Phòng làm việc chỉ đủ chỗ cho mươi người theo kiện nhưng bà con lại đòi cả 40 người vào đối thoại. Cuộc gặp lẽ ra được sắp xếp đầu giờ chiều, cuối cùng phải lui về cuối buổi, khi các giáo dân chấp nhận cử 10 người đại diện…

Mang theo cuốn Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, giáo dân Huỳnh Ngọc Tranh trích đọc từng điều khoản khẳng định rằng dự án khu đô thị sinh thái hoàn toàn đủ điều kiện để bố trí tái định cư tại chỗ cho các hộ dân bị giải phóng mặt bằng. “Đây là vấn đề lớn nhất. Chúng tôi mong được ở lại ngay chính mảnh đất tổ tiên, được quần tụ quanh nhà thờ chứ không muốn đi đâu hết”.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên (bìa trái) và Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (giữa) đang tiếp dân ngày 22-7. Ảnh: NN

Qua lắng nghe trình bày của bà con Cồn Dầu, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh quay sang phía đại diện chính quyền Đà Nẵng: “Ý kiến bà con thế, thành phố thấy thế nào?”.

Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng Võ Văn Thương, người từng đứng mũi chịu sào triển khai dự án khi còn là bí thư kiêm chủ tịch quận Cẩm Lệ, trình bày: “Đây là dự án lớn, ảnh hưởng tới nhiều hộ dân, trong đó có hơn 400 hộ dân Cồn Dầu. Chúng tôi đã rất kiên trì giải thích, thuyết phục, đến nay hầu hết bà con đã đồng thuận. Chỉ còn chừng 60 hộ phản đối, chưa giao mặt bằng. Cá nhân tôi đã đến từng hộ, ít nhất một lần để thuyết phục”.

Theo ông Thương, Cồn Dầu vốn là vùng đất thấp, mùa lũ năm nào cũng ngập lụt. Để phát triển kinh tế - xã hội thành phố, năm 2008 được phê duyệt của Thủ tướng, Đà Nẵng đã triển khai dự án đô thị sinh thái Hòa Xuân, quy mô 470 ha, trải rộng năm khu vực, trong đó có Cồn Dầu. Quy hoạch dự án này có một phần đất ở được phân lô làm nhà mặt phố hoặc biệt thự, không có phần nào dành cho tái định cư tại chỗ với các hộ dân bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi đã bố trí các khu tái định cư khác nhau cho người dân, trong đó khu tái định cư cho giáo dân Cồn Dầu là tốt hơn, đẹp hơn các khu còn lại và chỉ cách nhà thờ Cồn Dầu chừng 700 m” - ông Thương cho biết.

Về các chính sách riêng cho giáo dân, trong khu vực dự án, nhà thờ Cồn Dầu giữ nguyên và còn được cấp đất mở rộng thêm. Đồng thời, ở khu tái định cư sẽ có nhà nguyện để tiện cho giáo dân sinh hoạt tín ngưỡng.

Trách nhiệm đến từ hai phía

“Ý kiến của Thanh tra Chính phủ thế nào?” - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên hỏi. “Nói thật, để việc căng thẳng thế này, chúng tôi thấy có cả trách nhiệm của chính quyền địa phương lẫn người dân” - ông Bùi Ngọc Lam, Cục trưởng Cục 2 thuộc Thanh tra Chính phủ, theo dõi khu vực miền Trung, đáp.

Theo ông Lam, Đà Nẵng đã chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong dân, còn người dân thì có phần bất hợp tác với chính quyền. Ngay như Thanh tra Chính phủ thấy vụ việc phức tạp đã ba lần cử cán bộ trao đổi với đoàn khiếu kiện Cồn Dầu, thống nhất cùng vào Đà Nẵng đối thoại. Nhưng rồi cả ba lần đó các giáo dân theo kiện đều từ chối tham dự. “Bà con ra trung ương khiếu kiện, chúng tôi bỏ công bỏ việc tiếp nhận, vào trong đó giải quyết thì lại nhận được thái độ bất hợp tác. Nếu cứ thế thì dân, chính quyền sẽ mãi xa cách. Bà con sẽ tiếp tục vất vả ngoài này mà chẳng giải quyết được gì” - ông Lam nói.

Một người dân Cồn Dầu đứng dậy phát biểu: “Đấy là vì chúng tôi mất niềm tin. Trước đây Đà Nẵng đã hai lần tổ chức đối thoại. Nhưng cứ gặp xong là cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Vậy hợp tác sao được!”.

Cuộc tiếp dân đến hồi căng thẳng nhất thì Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên lên tiếng: “Nguyện vọng của bà con muốn được tái định cư tại chỗ, được gần gũi với nhà thờ là đáng cảm thông. Nhưng cũng mong bà con hiểu cho, quy hoạch đô thị thì phải khoa học, hợp lý. Bà con đã có khu tái định cư riêng rồi, cũng không xa nơi ở cũ lắm. Vậy còn ai muốn sinh sống nơi cũ thì tôi đề nghị Đà Nẵng có chính sách ưu đãi để bà con mua nhà, biệt thự trong dự án”.

Giải pháp cuối cho sự việc này, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh kết luận sẽ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng cho lập đoàn liên ngành về đánh giá lại toàn diện. “Tôi cho là Đà Nẵng đã rất tích cực, trách nhiệm. Nhưng bà con chưa vừa lòng, muốn hơn, vượt khỏi quyền giải quyết của địa phương. Vậy cần phải có cấp trên phân xử. Mong rằng khi đoàn liên ngành về đánh giá, kết luận khách quan, toàn diện rồi thì cả Đà Nẵng, cả bà con Cồn Dầu cần tôn trọng, chấp hành”.

NGHĨA NHÂN

Ăn bánh mì tiếp dân đến chiều

Trong lần tiếp dân đầu tiên này, tổng thanh tra và chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã gặp gỡ sáu cuộc, trong đó có hai vụ là khiếu kiện đơn lẻ. Còn lại đều là khiếu kiện tập thể, đông người. Các cuộc tiếp dân được tổ chức trong lúc phía ngoài trụ sở tiếp dân còn nhiều nhóm khiếu kiện tụ tập. Nhiều việc như vậy nên hai vị bộ trưởng cùng đoàn tùy tùng chỉ kịp lót dạ bánh mì trong 20 phút khi đã quá trưa để cố hoàn thành chương trình buổi chiều.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cho biết việc tiếp dân thế này không thể trực tiếp giải quyết, kết luận về đơn thư của dân. Nhưng qua đó, người đứng đầu các cấp có thể lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó phân luồng vụ việc, chỉ định cơ quan chức năng cụ thể giải quyết. “Theo luật mới, chúng tôi có quyền đôn đốc, theo dõi quá trình giải quyết và được thông báo về kết luận cuối cùng. Đây là điểm khác biệt so với cách thức tiếp công dân trước đây” - ông Tranh nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.