Ngày 31-3, Tổng cục Hải quan phát đi thông báo về một số thông tin nêu rằng xuất khẩu khẩu trang vải đang gặp khó khăn.
Nguyên nhân là do cán bộ hải quan khó phân biệt giữa khẩu trang y tế với khẩu trang vải. Đặc biệt là khẩu trang vải kháng khuẩn nên phải lấy mẫu gửi đi giám định nhiều nơi.
Tổng cục Hải quan chỉ đạo lực lượng chỉ lựa chọn các lô hàng khẩu trang nghi vấn đề kiểm tra thực tế hàng hóa. Ảnh: Internet
Tổng cục Hải quan cho biết ngày 28-2, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 20 về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ Y tế áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 và chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện (tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng dành cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong nước).
Tổng cục Hải quan cũng được giao phối hợp giám sát việc này.
Thực hiện đúng chỉ đạo trên, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, TP chỉ giải quyết thủ tục xuất khẩu khẩu trang y tế trong các trường hợp đã quy định.
Đặc biệt, để không để xảy ra tình trạng gian lận (xuất khẩu khẩu trang y tế nhưng cố tình khai báo là khẩu trang khác), Tổng cục Hải quan chỉ đạo lực lượng thực hiện kiểm tra thực tế đối với các lô hàng hóa xuất khẩu khai báo là khẩu trang không dùng trong y tế, đối chiếu với tiêu chuẩn khẩu trang y tế do Bộ KH&CN công bố để xác định thực tế hàng hóa.
Qua kiểm tra thực tế, nếu không đủ cơ sở xác định hàng hóa là khẩu trang không dùng trong y tế thì trưng cầu giám định tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện giám định khẩu trang y tế theo quy định để xác định chủng loại hàng hóa xuất khẩu.
Đáng chú ý, ngày 27-3 vừa qua, Bộ Y tế có công văn gửi Bộ Tài chính cho biết có hiện tượng làm giả giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) do Bộ Y tế cấp đối với mặt hàng khẩu trang y tế.
Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu khẩu trang vải và tăng cường ngăn chặn các hành vi gian lận theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan giao Cục Quản lý rủi ro, Cục Hải quan các tỉnh, TP đánh giá rủi ro chỉ lựa chọn các lô hàng nghi vấn để kiểm tra thực tế hàng hóa, đặc biệt các lô hàng do nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất.
Trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức hải quan quan sát trực tiếp hàng hóa nếu không đủ các dấu hiệu theo tiêu chuẩn khẩu trang y tế thì thực hiện thông quan.
Trường hợp quan sát thấy có dấu hiệu theo tiêu chuẩn nhưng khai báo là khẩu trang khác (không phải khẩu trang y tế) thì lấy mẫu giám định tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện giám định khẩu trang y tế theo quy định.
Tuần khẩu trang y tế qua biên giới Cũng theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua Cục Hải quan tỉnh, TP đã tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu khẩu trang qua biên giới và đã phát hiện bắt giữ nhiều vụ việc buôn lậu mặt hàng khẩu trang qua biên giới. Điển hình như ngày 11-3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài - Cục Hải quan Tây Ninh kiểm tra, kiểm soát, phát hiện hai đối tượng có hành vi vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Hàng hóa vi phạm gồm gần 190.000 chiếc khẩu trang y tế Việt Nam, mới 100%, trị giá ước tính hơn 160 triệu đồng. Trước đó, ngày 8-3, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tịnh Biên - Cục Hải quan tỉnh An Giang phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên bắt giữ một đối tượng vận chuyển trái hàng hóa qua biên giới. Hàng hóa vi phạm thu giữ gồm hơn 160.000 chiếc khẩu trang y tế. |