“Từ 1-1-2019, đơn vị kinh doanh vận tải sẽ được sử dụng hợp đồng vận tải điện tử cho xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch lữ hành…”. Đây là thông tin mới nhất do ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ GTVT, cung cấp liên quan đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Được xã hội chấp nhận
Sau hơn một năm thực hiện đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo Quyết định số 24 của Bộ GTVT ngày 7-1-2016), thực tế đã cho thấy đề án mang lại nhiều thuận tiện cho hành khách và cả doanh nghiệp vận tải. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, tính đến tháng 4-2017 đã có bảy hãng taxi thiết lập được phần mềm ứng dụng gọi xe điện tử và thanh toán điện tử cho khách hàng, đánh dấu sự phát triển nhanh của taxi công nghệ.
Anh Nguyễn Hoàng, nhà ở quận Tân Bình, cho biết trước đây anh góp xe vào chạy cho một hãng taxi truyền thống, còn nay anh chuyển qua một hãng khác có áp dụng công nghệ gọi xe điện tử.
“Xe taxi truyền thống sử dụng bộ đàm trên nền sóng chung, khi có một khách gọi là có nhiều xe cùng lao đến nên thường xảy ra chuyện tranh giành khách, gây mất trật tự, an toàn giao thông. Ngoài ra, taxi truyền thống muốn thay đổi giá cước phải qua nhiều quy trình, cơ quan quản lý, chính vì giá cước bị “đóng khung” cứng nhắc nên nhiều khách không thích” - anh Hoàng nhận xét.
Cũng theo anh Hoàng, taxi công nghệ có giá cước cạnh tranh hơn, ngoài ra trên bản hợp đồng điện tử có ghi giá cước nên hành khách yên tâm hơn khi chọn dịch vụ này.
Nói thêm về ưu điểm của xe hợp đồng điện tử, ông Trần Bảo Ngọc cho biết hãng xe có ứng dụng phần mềm kết nối với khách sẽ lọc và chỉ chọn một xe gần khách nhất, hợp lý nhất để đón khách nên tỉ lệ xe có khách luôn lên đến 90%, trong khi tỉ lệ có khách ở xe truyền thống chỉ khoảng 50%. “Cạnh đó, xe công nghệ chỉ khi có khách gọi mới lăn bánh trên đường, không chạy lòng vòng tìm khách như taxi truyền thống nên lượng xe này có mặt trên đường là rất thấp, không góp phần gây ra ùn tắc ở các đô thị lớn” - ông Ngọc nói.
Sắp tới, hợp đồng điện tử được áp dụng không chỉ trên taxi mà còn ở các loại xe khác. Ảnh: L.ĐỨC
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, xe ứng dụng công nghệ nói chung đang được xã hội, người dân ủng hộ, còn các hãng taxi truyền thống với cách ngồi chờ khách đến như xưa nay thì chắc chắn phải gánh chịu thua thiệt, cạnh tranh không lại…
Mở rộng các loại xe khác
Với việc mở cửa cho các doanh nghiệp vận tải được dùng hợp đồng điện tử, mặc nhiên sẽ có thêm các hãng cung cấp phần mềm hợp đồng xe điện tử ngoài Grab, Uber, phá thế độc quyền của hai đơn vị này.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường giải thích thêm: “Đây là loại hình xe hợp đồng nên Bộ GTVT yêu cầu các hãng công nghệ chỉ được cung cấp dịch vụ, đường truyền cho các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh vận tải và xe phải có phù hiệu. Đây là điều kiện ràng buộc để hãng vận tải tự mở hợp đồng điện tử hoặc liên kết với đơn vị cung ứng dịch vụ công nghệ”. Như vậy, Uber, Grab hoặc các hãng cung cấp công nghệ khác muốn tham gia vào kinh doanh vận tải bằng hình thức hợp đồng điện tử thì phải có giấy phép vận tải hoặc liên kết với các doanh nghiệp vận tải. “Sắp tới, sau khi có Nghị định 86 sửa đổi về quản lý vận tải, Bộ GTVT cũng đã đưa loại hình taxi Uber, Grab vào đối tượng quản lý. Việc quản lý các loại hình taxi sau này sẽ bảo đảm được sự công bằng hơn” - ông Trường cho hay.
Ông Trần Bảo Ngọc cho biết thêm trong bản dự thảo sửa đổi Nghị định 86 lần gần đây nhất, Bộ GTVT đưa vấn đề hợp đồng điện tử vào và áp dụng không chỉ cho xe dưới tám chỗ, xe taxi mà cả với các xe chạy dạng hợp đồng, du lịch lữ hành (từ trên tám chỗ). Theo đó hợp đồng vận tải điện tử được giao kết trên nền tảng website thương mại điện tử, ứng dụng mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác đã được đăng ký, thông báo với Bộ Công Thương theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử. Khi thực hiện vận tải hành khách, lái xe phải mang theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giấy hoặc truy cập được giao diện thể hiện hợp đồng vận tải điện tử trên nền phần mềm ứng dụng của đơn vị kinh doanh vận tải. Đối với ô tô chở người từ tám chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, lái xe còn phải mang theo danh sách hành khách có xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải (trừ xe phục vụ đám tang, đám cưới).
Cần công nhận danh sách hành khách điện tử Việc Bộ GTVT “mở cửa” cho giao dịch, hợp đồng điện tử được các nhà quản lý, doanh nghiệp vận tải đón mừng nhưng vẫn còn không ít băn khoăn. Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, đến nay Bộ GTVT vẫn chưa xây dựng được phần mềm chia sẻ thông tin, dữ liệu quản lý xe giữa Bộ với các sở GTVT và giữa các sở với nhau. Điều này làm hạn chế việc kiểm tra, xử lý các xe chạy lên xuống, đi về giữa các địa phương. Cũng theo ông Việt, dự thảo Nghị định 86 sửa đổi nêu ô tô từ tám chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, ngoài hợp đồng giấy hoặc hợp đồng điện tử, tài xế còn phải mang theo danh sách hành khách (bằng giấy) có xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải. Quy định như dự thảo thì quá... nửa vời. Vì lẽ đã chấp nhận bản hợp đồng điện tử thì cũng nên chấp nhận luôn danh sách hành khách điện tử. Lại nữa, trong quá trình vận doanh, chủ xe “bắt” được khách thì có thể lập bản hợp đồng và danh sách điện tử để đi luôn, khỏi quay xe về TP.HCM làm thủ tục. “Từ thực tế này, Bộ GTVT cần xây dựng bản hợp đồng, danh sách hành khách điện tử mẫu để doanh nghiệp, tài xế linh hoạt sử dụng trong quá trình kinh doanh” - ông Việt đề xuất. _______________________________ 13.500 là số xe dưới chín chỗ của 235 đơn vị tại ba địa phương là Hà Nội, TP.HCM và Khánh Hòa tham gia đề án thí điểm hợp đồng điện tử tính đến tháng 4-2017, theo số liệu của Vụ Vận tải - Bộ GTVT. |