Hàng Thái đổ bộ

Thương vụ Metro Cash&Carry Việt Nam được bán cho tập đoàn Thái Lan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo hàng Thái sẽ tràn ngập thị trường và doanh nghiệp (DN) Việt ngày càng phải chịu sự cạnh tranh gay gắt nếu không có những thay đổi kịp thời.

Hàng Thái chạy đua trên kệ hàng

Hàng Thái nhiều năm qua được người tiêu dùng (NTD) Việt ưa chuộng và tín nhiệm bởi mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Song hàng Thái có mặt ở Việt Nam chủ yếu thông qua các kỳ hội chợ, cửa hàng tiện lợi… mà số lượng ở các kênh này chưa phủ nhiều.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới đây, kết quả khảo sát năm 2014 cho thấy có 96% người dân quan tâm và rất quan tâm đến chương trình này. Có hơn 73% NTD ưu tiên chọn hàng Việt khi mua sắm, 85,8% khẳng định tỉ lệ mua sắm trang thiết bị, đồ dùng trong gia đình là hàng Việt Nam. Tỉ lệ hàng hóa bày bán ở các siêu thị, cửa hàng thuộc hệ thống thương mại lớn ở thành phố đạt bình quân 90%. Đơn cử như tại hệ thống Saigon Co.op, hiện nay các siêu thị Co.op Mart ưu tiên diện tích trưng bày sản phẩm đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao (VNCLC). Tỉ lệ hàng Việt chiếm trên 90% cơ cấu hàng hóa. Trong đó, ngành hàng thực phẩm kinh doanh với gần 10.000 mặt hàng thì tỉ lệ hàng Việt chiếm trên 95%. Điều này góp phần nâng cao chất lượng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất trong nước góp phần ổn định việc làm cho người lao động.

DN Việt nỗ lực không chỉ để giữ khách hàng nội địa mà còn đưa thương hiệu Việt ra nước ngoài. Ảnh: TÚ UYÊN

Tuy nhiên, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan mua lại Metro Cash&Carry Việt Nam với 19 trung tâm phân phối trên cả nước. Với lợi thế có sẵn, hàng Thái nghiễm nhiên chính thức đi vào Việt Nam. Ngoài ra, hệ thống bán lẻ Central Group trong tháng 4 đã mở một trung tâm mua sắm Robins tại Hà Nội và tháng 11 sắp tới, một trung tâm khác sẽ được mở tại TP.HCM.

Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng nhận định việc những ông chủ người Thái dần chiếm lĩnh các chuỗi bán lẻ và tín hiệu về một cuộc đổ bộ của thương hiệu Thái vào thị trường Việt là một lo ngại có thật, hoàn toàn có khả năng xảy ra. Những nhà bán lẻ quốc tế luôn có sự ưu tiên nhất định đối với thương hiệu từ quốc gia gốc. Ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn chiến lược Robbenny khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thì cho rằng Metro là của Đức nhưng họ thật sự đã đạt đẳng cấp toàn cầu. Vì vậy lúc này không chỉ sản phẩm của Đức không mà họ sẽ phải quan tâm đến nhà cung cấp của toàn cầu. Đối với trường hợp DN Thái Lan mua lại Metro có thể thấy Tập đoàn BJC Thái Lan là tập đoàn lớn nhưng nói về tính toàn cầu thì chưa bằng Metro. Bởi họ bỏ ra số tiền quá lớn để mua lại Metro vì vậy sản phẩm Thái được đưa vào kênh Metro là việc chắc chắn họ sẽ phải làm và làm nhanh. Đứng ở góc độ NTD, nhiều sản phẩm Thái vào, NTD sẽ có lợi vì hưởng chất lượng tốt giá chấp nhận được.

Áp lực cho doanh nghiệp nội

Ông Hoàng Tùng bình luận sự có mặt ngày càng nhiều những thương hiệu bán lẻ lớn trên thế giới là tín hiệu cho thấy DN Việt ngày càng bị áp lực cạnh tranh lớn. Nỗ lực mà DN bán lẻ như Saigon Co.op giữ vững danh hiệu giải vàng nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam trong suốt 10 năm qua là tín hiệu rất đáng khích lệ. Điều này nhấn mạnh rằng nếu DN bán lẻ Việt một khi có tầm nhìn dài hạn, chiến lược đúng đắn và nỗ lực phát triển tập trung vào ngành nghề cốt lõi sẽ có khả năng thành công và hoàn toàn có thể đứng vững trước sự tấn công của các ông lớn bán lẻ ngoại quốc.

Theo ông Robert Trần, sản phẩm Việt cứ làm tốt đi tự nhiên sẽ có khách hàng, NTD rất thông minh, họ sẽ là người quyết định chọn ai.

Để cạnh tranh với các DN ngoại mạnh, ông Tùng nêu quan trọng nhất là Việt Nam phải có được những chuỗi bán lẻ thương hiệu Việt đủ mạnh. Để được như vậy DN bán lẻ cần phải quay lại với ba câu hỏi quản trị cốt lõi. Khách hàng cần gì từ mình? Mình có thể làm gì để đáp ứng nhu cầu của khách hàng? Điều mình làm được có tốt hơn các đối thủ khác đang làm hay không?

Một số chuyên gia cho rằng sự liên doanh giữa Co.op Mart và NTUC Fair Price (Singapore) là cách thức nhanh nhất để DN bán lẻ nội có thể học hỏi về dịch vụ khách hàng, quy trình quản lý sản phẩm, chiến lược phát triển cũng như chuyển giao được những công nghệ mới nhất từ phía những thương hiệu bán lẻ có tầm vóc toàn cầu. Tuy nhiên, cách bền vững nhất đối với DN Việt là tạo dựng cho mình thương hiệu mạnh. Điều này sẽ khiến NTD yêu thích, khi NTD yêu thích sẽ là áp lực khiến các nhà bán lẻ phải ưu tiên cho thương hiệu. Và chỉ khi có được thương hiệu mạnh, DN mới có thể tạo được sức ép cân bằng đối với các nhà bán lẻ.

MAI UYÊN

Không nhà bán lẻ nào chỉ tập trung bán sản phẩm từ quốc gia gốc. Metro sẽ không chỉ bán hàng từ Đức. Walmart sẽ không chỉ bán hàng từ Mỹ. Ở đây chỉ là sự ưu tiên dành cho thương hiệu cùng với quốc gia mẹ. DN sẽ hướng tới mục đích tối cao nhất là tạo ra lợi nhuận. Và lợi nhuận của nhà bán lẻ phụ thuộc vào việc khách hàng yêu thích sản phẩm nào. Thế nên nhà bán lẻ sẽ phải cân đối giữa việc ưu tiên thương hiệu từ quốc gia gốc với thương hiệu NTD yêu thích. 

Chuyên gia thương hiệu HOÀNG TÙNG

Saigon Co.op liên doanh với Singapore đưa hàng Việt ra thế giới

Không chỉ mở rộng mạng lưới phân phối trên cả nước, đưa hàng Việt đến với vùng sâu, vùng xa, Saigon Co.op còn liên doanh với hợp tác xã hàng đầu Singapore nhằm đưa hàng Việt ra thế giới. Thời gian qua siêu thị là cầu nối xuất khẩu hơn 300 mặt hàng Việt Nam sang Singapore.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm