Hàng trăm ngàn vé tàu, máy bay tết Canh Tý đã được bán

Chiều 21-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, thông tin: Từ 8 giờ ngày 20-10 đến 8 giờ ngày 21-10, ngành đường sắt đã bán được 52.000 vé tàu, trong đó 4.000 vé đã được khách hàng thanh toán. Các vé bán ra chủ yếu vào ngày 24 và 25-1-2020.

Bán 300.000 vé tàu dịp tết

Ông Quốc Anh cho biết thêm: “Những vé trước và sau thời gian trên vẫn còn rất nhiều và hiện số lượng mua còn khiêm tốn. Dịp tết này, ngành đường sắt dự kiến bán 300.000 vé tàu. Giá vé sẽ tăng, giảm tùy từng chặng nhằm bù đắp các chi phí chạy tàu và mang lại hiệu quả cho ngành. Nhưng nhìn chung vé tàu sẽ không cao hơn nhiều so với ngày thường”.

Theo ông Quốc Anh, trong đợt mở bán vé tàu tết Canh Tý năm nay, ngành đường sắt siết chặt hơn các quy định về thời gian đặt chỗ, giữ chỗ, thanh toán, cùng đó là tăng phí đổi, trả vé nhằm tránh việc đầu cơ vé, đồng thời tăng cơ hội cho các hành khách khác. Cụ thể, những ngày đầu khách có quyền giữ vé 48 tiếng nhưng sau đó sẽ giảm xuống 24 tiếng.

“Khi đổi vé, trả vé, hành khách xuất trình giấy tờ tùy thân bản chính của người đi tàu cho nhân viên đổi, trả vé. Đồng thời, thông tin trên thẻ đi tàu phải trùng khớp với giấy tờ tùy thân của hành khách…” - ông Quốc Anh khẳng định.

Theo ghi nhận của PV chiều 21-10, tại ga Sài Gòn không có cảnh người dân phải chen lấn để mua vé tàu tết như mọi năm. Nguyên nhân là vì nhiều người đã đặt mua vé trên trang web bán online rồi ra ga lấy vé, hoặc có trường hợp đặt số thứ tự qua tin nhắn rồi ra ga mua. Đồng thời, năm nay Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn (Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn) đã nâng số quầy bán vé lên 14 quầy (tăng bốn quầy so với năm trước), số lượng nhân viên phục vụ cũng tăng lên.

Anh Trương Minh Tuấn (chờ lấy vé đi Hà Nội) chia sẻ: “Hình thức đặt vé rồi có tin nhắn báo khoảng thời gian đến lấy vé tôi thấy rất tiện lợi, không phải ngồi vật vã chờ mua vé như mọi năm. Cách làm này khá hay, không mất thời gian, không xảy ra tình trạng móc túi”.

Ông Nguyễn Ánh Luyện, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết năm nay người dân đến ga xếp hàng mua vé tết ít hơn so với những năm trước. Lý do là người dân đã nắm bắt đầy đủ thông tin nên mua vé online nhiều hơn, vì vậy tình hình bán vé hai ngày qua tương đối ổn định.

“Qua hai ngày mở bán, chúng tôi thấy người dân ít phàn nàn hơn so với năm trước. Tuy nhiên, hiện vẫn có một số trang web giả mạo để bán vé. Chính vì thế, người dân cần cảnh giác và lên trang web chính thức để mua vé” - ông Luyện khuyến cáo.

Tại ga Sài Gòn chiều 21-10, không có tình trạng chen lấn để mua vé tàu. Ảnh: N.CHÂU

Qua thời “hóng” bay tết giá rẻ

Căn cứ theo lịch nghỉ tết, PV đã khảo sát giá vé của các hãng hàng không vào dịp tết Canh Tý này. Thực tế cho thấy từ ngày 15 đến 18-1-2020, chặng bay nhộn nhịp nhất cả nước là TP.HCM đi Hà Nội của các hãng Vietnam Airlines, VietJet, Jetstar và Bamboo Airways đều có giá dao động 2-4 triệu đồng/vé/chiều chưa kể thuế, phí. Tuy nhiên, đến ngày 19-1-2020 thì giá vé thấp nhất nhảy vọt lên 2,5-5 triệu đồng/vé chưa gồm thuế, phí. Còn từ ngày 20 đến 24-1-2020 trở đi, giá vé thấp nhất là 2,8 triệu đồng/vé. Ngược lại, từ ngày 25 đến 27-1-2020, giá vé có dấu hiệu “hạ nhiệt”, giá thấp nhất về mức 1,7-3 triệu đồng/vé.

Số lượng đoàn tàu những ngày trước tết, từ ngày 20 đến 24-1-2020 (tức từ ngày 26 đến 30 tháng Chạp), có tổng cộng 91 đoàn chạy chiều Sài Gòn - Hà Nội. Những ngày sau tết, từ ngày 27 đến 29-1-2020 (tức từ mùng 3 đến mùng 5 tháng Giêng năm Canh Tý), có 55 đoàn tàu chạy chiều Hà Nội - Sài Gòn.

Về số lượng ghế máy bay, đại diện Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO) thông tin: Từ ngày 9-1 đến 8-2-2020 (tức từ ngày 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng) sẽ cung ứng tổng cộng gần 2 triệu ghế trên toàn mạng nội địa, tăng tương đương 1.100 chuyến bay. 

Chặng TP.HCM đi Đà Nẵng, từ ngày 15 đến 18-1-2020, giá dao động từ 840.000 đến 1,4 triệu đồng/vé. Nhưng từ ngày 16 đến 19-1-2020, giá vé vọt lên 1,7-3,8 triệu đồng/vé. Còn từ ngày 20 đến 23-1-2020, gia vé đồng loạt nhảy lên, thấp nhất là 1,8 triệu đồng/vé.

Cùng thời điểm này, chặng TP.HCM đi Vinh (Nghệ An), do cự ly chặng này dài hơn nên giá vé cũng nhảy mức xấp xỉ 2 triệu đến 4 triệu đồng/vé tính từ ngày 15 đến 19-1-2020. Đỉnh điểm trong các ngày từ 18 đến 23-1-2020, giá vé thấp nhất đã hơn 2,8 triệu đồng/vé.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện một tổng đại lý có hơn 2.000 đại lý cấp hai tại TP.HCM cho hay: Từ đầu tháng 9-2019 các hãng đã tung hàng trăm ngàn vé để bán tết. Các năm trước người dân có tâm lý chờ vé giá rẻ mới mua nhưng năm nay, khi vé tung ra đã có nhiều người lập tức đặt mua vì họ đã nắm kinh nghiệm cao điểm tết sẽ không có vé giá rẻ, thậm chí các chặng đông đúc không còn vé để đặt. Theo đó, các hãng cũng tăng cường điều phối vé tối đa cho các chặng bay nhộn nhịp khách trong dịp tết.

Không có hiện tượng “cháy vé”

Ông Nguyễn Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, khẳng định: “Tình hình bán vé qua hai ngày vẫn diễn ra bình thường. Hiện tượng cháy vé như một số người phản ánh là không chính xác. Có thể tại một số chặng, một số ga trong một số ngày cao điểm nào đó có nhiều người đi hơn những ga khác dẫn đến người mua sau không còn vé. Hành khách mua vé có thể điều chỉnh ngày đi hoặc điều chỉnh ga đến. Ví dụ, thay vì đã hết vé đi ga Quảng Ngãi, hành khách có thể mua vé chặng dài hơn tới ga Đà Nẵng, việc này rất là bình thường so với mỗi năm.

Việc mua vé được công ty công khai, minh bạch trên tất cả hệ thống. Mỗi CMND mua một lượt không quá bốn vé cho một chiều. Đây là biện pháp để nhập thông tin mà ngành đường sắt quy định nhằm tránh xảy ra hiện tượng cò vé”.

THY NHUNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm