Các chuyên gia Liên Hợp Quốc (LHQ) vừa tiết lộ một chiến dịch quân sự bí mật của một số quốc gia phương Tây ở Libya nhằm ủng hộ phe nổi dậy dưới sự chỉ huy của Nguyên soái Khalifa Haftar.
Mục đích của chiến dịch là làm gián đoạn việc Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển vũ khí cho Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Libya được quốc tế công nhận đóng ở Tripoli.
Ít nhất 20 lính đánh thuê tham gia chiến dịch quân sự bí mật
Hãng thông tấn DPA của Đức ngày 27-5 dẫn báo cáo mật của LHQ cho biết ít nhất 20 người - tất cả là thành viên của các công ty quân sự tư nhân ở Úc, Pháp, Malta, Nam Phi, Anh và Mỹ - đã tham gia cái gọi là “Dự án Opus”để ủng hộ lực lượng ông Haftar.
Nguyên soái Khalifa Haftar, chỉ huy LNA. Ảnh: PRESS TV
Báo cáo cho biết những lính đánh thuê này đã lên một máy bay chở hàng ở thủ đô Amman của Jordan hồi cuối tháng 6-2019. Dưới danh nghĩa là một cộng đồng khoa học đại diện cho Jordan, nhóm lính đánh thuê đi tới Libya để tiến hành “các cuộc điều tra địa vật lý và siêu phổ”. Tuy nhiên, báo cáo của LHQ gọi đây là câu chuyện bị che đậy.
Trong báo cáo, LHQ cho biết mục đích của nhóm lính đánh thuê này là chặn các lô hàng vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đường tới bờ biển thủ đô Tripoli, nơi đóng quân của lực lượng GNA.
Cũng theo báo cáo mật của LHQ, việc lập kế hoạch cho chiến dịch quân sự bí mật này chủ yếu do các công ty có trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) thực hiện. Báo cáo xác định các công ty này là Lancaster6 và Opus Capital Asset.
Theo báo cáo, nhóm lính đánh thuê đã mua sáu máy bay trực thăng quân sự ở Nam Phi vào giữa tháng 6-2019. Những máy bay này ban đầu được đưa tới Botswana bằng đường biển rồi sau đó được chuyển bằng máy bay tới TP Benghazi ở Libya – thành trì của ông Haftar.
Đồng thời tại Malta, công ty Opus Capital Asset đã thuê hai xuồng bơm hơi quân sự được trang bị một súng máy và sau đó được đưa tới Benghazi hôm 27-6-2019.
Chiến dịch bị hủy
LHQ cho biết vài ngày sau, chiến dịch bí mật này đã bị hủy bỏ nhưng không rõ lý do. LHQ cho biết thêm không có chỉ dấu nào cho thấy các lô hàng vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chặn.
Trước đó, một báo cáo mật của LHQ đã xác nhận có sự hiện diện của lính đánh thuê nước ngoài ở Libya và do UAE điều sang để hỗ trợ ông Haftar.
Hiện trường sau một cuộc không kích trong đêm giết chết ba trẻ em và nhiều người khác ở ngoại ô Tripoli, Libya hôm 14-10-2019. Ảnh: AFP
Ai Cập, UAE, Pháp, Nga và Saudi Arabia là những nước ủng hộ chính cho lực lượng ông Haftar.
UAE là nước ủng hộ mạnh mẽ ông Haftar trong nhiều năm qua. UAE đã chi ra một số tiền lớn để tài trợ cho cuộc tấn công của ông Haftar nhằm vào lực lượng chính phủ ở Tripoli. LHQ cũng tiết lộ rằng UAE cung cấp vũ khí và lính đánh thuê cho quân ông Haftar.
Sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại trong chiến dịch quân sự được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hậu thuẫn năm 2011, Libya chìm vào khủng hoảng.
Kể từ năm 2014, hai phe quyền lực đối lập xuất hiện tại Libya, cụ thể là chính phủ của Thủ tướng Fayez al-Sarraj được quốc tế công nhận đóng ở Tripoli và một lực lượng đóng ở TP Tobruk, miền đông đất nước do Nguyên soái Khalifa Haftar chỉ huy.
Đầu tháng 4-2019, lực lượng LNA mở chiến dịch quân sự đánh chiếm Tripoli. Hơn 1.000 người đã thiệt mạng trong chiến dịch.
LNA đẩy mạnh cuộc tấn công nhằm vào dân thường kể từ đầu tháng 5 khi GNA gần đây giành được thắng lợi và gây thiệt hại lớn cho lượng lượng ông Haftar.
Những nước ủng hộ ông Haftar đang “mù quáng”
Ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25-5 nói rằng những nước như Pháp đang ủng hộ ông Haftar ở Libya đang "mù quáng".
Người biểu tình cầm băng rôn ghi “Chấm dứt chiến tranh ở Libya, Haftar và lính đánh thuê” trong một cuộc biểu tình tại Hội nghị thượng đỉnh mùa hè về Libya tổ chức ở Berlin (Đức) hôm 19-1. Ảnh: AFP
Trả lời phỏng vấn kênh France 24 (Pháp), ông Kalin nói: “Chúng tôi tin rằng bất cứ ai đang ủng hộ ông Haftar đều sai lầm trong cuộc xung đột Libya”.
Ông Kalin nhấn mạnh rằng những nước hậu thuẫn ông Haftar nên nhận ra rằng vị chỉ huy của LNA không phải là một đối tác đáng tin cậy ở Libya.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa một số cố vấn sang giúp chính phủ Libya mang lại mức độ cân bằng cho cuộc xung đột”, ông Kalin nói thêm.
Ông tái khẳng định cần thiết phải có một giải pháp chính trị ở Libya. Ông Kalin cạnh đó nói rằng ông Haftar tiếp tục tấn công chính người dân của mình, đem làn sóng bạo lực trên khắp đất nước.