Hệ thống phòng không HAWK Mỹ tính gửi cho Ukraine có quá lỗi thời?

(PLO)- Hệ thống phòng không HAWK Mỹ đang cân nhắc gửi Ukraine dù cũ hơn so với các hệ thống phòng không khác nhưng vẫn có hiệu quả khi đánh chặn máy bay và tên lửa Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-10, Nga mở chiến dịch tấn công tên lửa trên khắp Ukraine, trong đó có thủ đô Kiev, nhằm vào các mục tiêu mà Nga nói là các cơ sở năng lượng, quân sự, thông tin liên lạc của Ukraine. Trước tình hình đó, Kiev liên tục kêu gọi phương Tây gửi thêm hệ thống phòng không để đánh chặn tên lửa, hạn chế tối đa thiệt hại.

Ngày 25-10, hãng tin Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ đề nghị không nêu tên cho biết Mỹ đang cân nhắc gửi hệ thống phòng không HAWK cho Ukraine. Đầu tháng này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov thông báo trên Twitter rằng Tây Ban Nha sẽ gửi bốn hệ thống phòng không HAWK cho Kiev.

Biết gì về hệ thống HAWK?

Ông Mark F. Cancian - Cố vấn cấp cao chương trình An ninh Quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết HAWK là hệ thống phòng không do Mỹ sản xuất, được phân phối rộng rãi giữa các đồng minh của Mỹ và hiện vẫn được hàng chục quốc gia sử dụng. Hệ thống này đã được nâng cấp liên tục, với phiên bản hiện tại được gọi là Cải tiến HAWK (hoặc I-HAWK).

Hệ thống phòng không HAWK

Lính Romania triển khai hệ thống tên lửa phòng không HAWK PIP III R trong cuộc tập trận với quân Mỹ ở Romania hồi tháng 11-2016. Ảnh: REUTERS

Quân đội Ukraine cho biết ban đầu hệ thống HAWK được phát triển để tiêu diệt máy bay. Sau đó, nó được hoàn thiện để đánh chặn tên lửa. Phiên bản đầu tiên của hệ thống có tầm bắn 25 km và độ cao là 14 km. Sau khi hiện đại hóa thì phạm vi đánh chặn mục tiêu tối đa tăng lên 40 km với độ cao đánh chặn tối đa là 18 km.

Theo hai nguồn tin của Reuters, hệ thống HAWK là bản nâng cấp của hệ thống tên lửa phòng không vác vai Stinger - hệ thống phòng không tầm ngắn, nhỏ hơn HAWK, mà Mỹ đã gửi cho Ukraine trước đó.

Tuy nhiên, ông Tom Karako - Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với tạp chí Newsweek rằng ông sẽ không coi hệ thống phòng không HAWK là một bản nâng cấp từ hệ thống Stinger.

Ông Karako nói: "Đây là những tên lửa lớn hơn rất nhiều và có khả năng tác chiến trội hơn so với Stinger. Xét ở một số đặc điểm thì HAWK là tiền thân của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Tuy nhiên, hệ thống này thực sự đã củng cố năng lực cho Patriot vào thời điểm đó".

Hệ thống phòng không lỗi thời?

Theo trang CSIS, vào giữa những năm 1960, hệ thống này bắt đầu được đưa vào sử dụng và được đánh giá là có hiệu quả cao. Vào năm 2002, Mỹ đã ngừng sử dụng hệ thống này và thay thế bằng hệ thống phòng không Patriot.

Theo ông Cancian, mặc dù HAWK được coi là lỗi thời trong hệ thống vũ khí của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nó vẫn có hiệu quả trong việc chống lại máy bay và tên lửa của Nga. Tin tốt hơn nữa là nhiều quốc gia có thể sẵn sàng chuyển giao hệ thống này để có thể mua lại loại vũ khí nào đó hiện đại hơn.

Hệ thống phòng không HAWK

Hệ thống phòng không HAWK khai hỏa. Ảnh: EURASIAN TIMES

Cũng cùng quan điểm với chuyên gia Cancian, ông Karako nói rằng các hệ thống HAWK đương nhiên là cũ hơn nhiều so với các hệ thống phòng không khác. Tuy nhiên, HAWK có thể hữu ích cho việc phòng thủ chống các máy bay cánh cố định hoặc máy bay cánh quạt. Ông nói: "Dù hệ thống này cũ và số lượng có hạn, nhưng nó có thể có tác dụng răn đe đối với máy bay Nga”.

Nhà nghiên cứu Gabriella Rosa Hernández tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí - tổ chức phi đảng phái có trụ sở tại Mỹ, chia sẻ với Newsweek rằng các hệ thống phòng không được cung cấp cho Ukraine chủ yếu là các hệ thống cơ động.

Bà cho rằng hệ thống Stinger của Mỹ mà Ukraine đang dùng được sản xuất phổ biến và cũng là loại dễ vận hành nhất. Những yếu tố này có thể đóng một vai trò lớn trong quyết định của chính quyền Tổng thống Joe Biden về việc cung cấp hệ thống nào cho Ukraine.

Nữ chuyên gia này phân tích: “HAWK cũng là một hệ thống phòng không di động. Hệ thống này chắc chắn sẽ giúp Ukraine tồn tại sau các cuộc tấn công tên lửa và nó cũng có thể tấn công các mục tiêu bay thấp với độ chính xác cao. Câu hỏi thực sự là chính phủ Mỹ có thể đưa hệ thống này đến Ukraine khẩn trương thế nào và quá trình đào tạo người Ukraine sử dụng, bảo trì hệ thống này nhanh hay không”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm