Cậu bé Ấn Độ Dhaval Parmar 13 tuổi, học sinh lớp 8, treo cổ lên quạt trần tự tử cuối tuần rồi sau khi thi được điểm cao vượt bậc so với bình thường, theo báo Times of India (Ấn Độ).
Cậu bé Dhaval Parmar là con trai của chị Meena và anh Lalit Parmar - một thợ điện ở vùng ngoại ô Odhav, TP Ahmedabad thuộc bang Gujarat (Ấn Độ). Dhaval và anh trai Ravi, 17 tuổi, học cùng trường phổ thông ở Odhav.
Ngày xảy ra sự việc đau lòng 15-10, cậu bé Dhaval ở nhà trong khi anh trai Ravi đi học. Cậu bé Dhaval nhờ cha đến trường xem điểm thi giữa học kỳ giùm mình. Dhaval thậm chí còn pha trà cho cha trước khi cha đến trường.
Anh Lalit đến trường và rất phấn khởi khi thấy con mình được điểm B, tăng một bậc so với điểm C mà cậu bé Dhaval vẫn thường đạt được trước giờ.
Người cha quay về nhà thông báo tin điểm cao này cho con trai. Cậu bé Dhaval tỏ ra rất phấn chấn. Bạn bè cậu bé cũng tới nhà chơi và chúc mừng cậu.
Sau đó người cha Lalit đi làm, người mẹ Meena cũng có việc rời nhà, bạn bè cậu bé Dhaval cũng lần lượt ra về. Khi anh trai Ravi đi học về thì phát hiện em trai mình đã tự tử bằng cách treo cổ lên quạt trần.
Ravi báo cho cha. Cậu bé Dhaval được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Anh Lalit cho biết cậu bé Dhaval đã ôn bài rất chăm chỉ với mong muốn đạt điểm A trong kỳ thi này chứ không phải chỉ là điểm B như kết quả thực tế. Và theo anh Lalit, đó có thể là lý do khiến con trai anh tìm đến cái chết vì không vượt qua được sự thất vọng.
Trẻ cần sự hỗ trợ thường xuyên và kịp thời của thầy cô và cha mẹ để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn tuổi thiếu niên. Ảnh: TIMES OF INDIA
Hàng xóm nhà anh Lalit cho biết Dhaval vốn là cậu bé rất ngoan ngoãn, lễ phép và có tính cách điềm tĩnh.
Tình trạng học sinh tự tử vì áp lực học hành xảy ra khá nhiều ở Ấn Độ và ngày càng tăng. Tuy nhiên, trường hợp cậu bé Dhaval khá đặc biệt vì tự tử sau khi thi được điểm cao hơn mọi lần.
Đối với trường hợp này, bác sĩ tâm lý Keyur Panchal tại một bệnh viện tư hàng đầu Ấn Độ nhận định có khả năng cậu bé Dhaval đã có một thời gian dài chịu áp lực và đã thấy trầm cảm với điểm số thấp C của mình nhưng sự trầm cảm đó không thể hiện rõ ràng. Lần này cậu bé quyết định nỗ lực hết sức, đặt mục tiêu đạt điểm cao nhất A với mong đợi sẽ vượt qua áp lực này. Tuy nhiên, kết quả không như ý đã như một cái ngòi kích nổ tất cả áp lực, căng thẳng đã tích tụ trong người cậu bé trước nay. Và cậu bé đã không vượt qua được.
Bình luận về điều này, BS Minakshi Parek, Trưởng khoa Tâm lý tại một bệnh viện Ấn Độ, cho rằng: “Tuổi thiếu niên là một giai đoạn có nhiều biến chuyển cực kỳ bất thường trong quá trình phát triển của trẻ. Trẻ trải qua giai đoạn tự khẳng định mình cùng với những bối rối về cả những thay đổi về thể xác cũng như tâm thần".
Và theo BS tâm lý Keyur Panchal: “Cha mẹ và thầy cô có vai trò rất quan trọng đối với trẻ trong giai đoạn này. Trẻ cần sự hỗ trợ thường xuyên và kịp thời của họ để có thể vượt qua mọi khó khăn và rủi ro của giai đoạn này".