Chiều 1-12, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khoá XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (mở rộng) theo hình thức trực tuyến đã khai mạc.
Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: HOÀNG KIM
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết hội nghị lần này sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến 5 nhóm vấn đề hết sức quan trọng. Năm vấn đề đó là: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022 - 2025; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; nhiệm vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, chính quyền, công tác dân vận năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, năm 2021, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI. Đây cũng là năm TP triển khai thực hiện Đề án mô hình chính quyền đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM; là năm khởi đầu với nhiều niềm tin và hy vọng.
Tuy nhiên, TP.HCM đã phải đối mặt với làn sóng dịch thứ tư với biến chủng Delta lây nhiễm và bùng phát rất nhanh. Trước tình hình đó, buộc TP phải áp dụng giãn cách xã hội để thực hiện các biện pháp y tế theo nguyên tắc phòng chống dịch, nhằm ngăn chặn lây lan ra cộng đồng với mục tiêu bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết.
5 tháng sau đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát Trung ương, sự hỗ trợ từ các ban, bộ, ngành, địa phương và sự đoàn kết, chung sức, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng của người dân và doanh nghiệp, đến tháng 9-2021, TP đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh và từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
“Nhưng chúng ta cũng phải chịu tổn thất nặng nề, nhiều người đã không thể vượt qua, nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng” – Bí thư Nên nói.
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình hội nghị. Ảnh: HOÀNG KIM
Theo Bí thư Nguyễn Văn nên, quý I năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM phát triển khá đồng đều và ổn định; đến 6 tháng đầu năm thì chững lại và đến cuối 2021 thì tụt giảm nghiêm trọng.
“Lần đầu tiên trong lịch sử của TP, từ giai đoạn đổi mới, chúng ta tăng trưởng âm 6,78%, trong khi kế hoạch năm đề ra là tăng trưởng 6%” – Bí thư Nên nói và cho biết, dự kiến năm nay TP có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu và còn 2 chỉ tiêu đến cuối năm mới đủ cơ sở tính toán.
Bên cạnh khó khăn, TP.HCM vẫn có một số điểm sáng, đó là: kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 2,8%; kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là tổng thu ngân sách nhà nước nếu ước tính chính xác thì đến cuối năm có thể phấn đấu đạt 100% chỉ tiêu.
Qua đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu, chi ngân sách của TP năm 2021; đưa ra những phân tích, nhận định, dự báo cho năm 2022 và những năm tiếp theo.
Đồng thời, xác định chủ đề năm 2022 là gì, theo gợi ý có thể là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư”.
Đặc biệt cho ý kiến về 7 nhóm giải pháp với 21 nhiệm vụ cụ thể trong năm 2022 như Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất. “Cần bổ sung thêm những nhiệm vụ, giải pháp, quyết sách gì để có thể tạo đột phá ngay và tìm kiếm xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, cải thiện môi trường đô thị và điều kiện sống cho người lao động, đảm bảo thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19” – Bí thư nói.
Người đứng đầu Thành uỷ TP.HCM cũng đề nghị hội nghị thảo luận về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP giai đoạn 2022 – 2025. Theo ông đây là một chương trình đầy quyết tâm trong bối cảnh “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá sâu sát, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội của TP trong điều kiện dịch vẫn còn nhiều rủi ro, phức tạp và nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới.