Hơn 4.000 cử tri Anh ký đơn kiến nghị cho ông Boris Johnson ‘cơ hội thứ hai’

(PLO)- Hơn 4.000 cử tri ủng hộ đảng Bảo thủ Anh ký đơn kiến nghị đảng cho ông Boris Johnson cơ hội thứ hai để được tham gia cuộc tranh cử thủ tướng sắp tới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm 21-7, trang web chính thức của đảng Bảo thủ Anh đã đăng tải một bản kiến nghị do hơn 4.000 cử tri ủng hộ đảng gửi lên yêu cầu cho Thủ tướng Boris Johnson có cơ hội thứ hai và tham gia cuộc tranh cử chức thủ tướng sắp tới.

Đơn kiến nghị, do cựu thành viên Nghị viện Châu Âu David Campbell-Bannerman và tỉ phú Peter Cruddas (thành viên Thượng Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) đệ trình, đã được gửi lên Chủ tịch đảng Bảo thủ.

Bản kiến ​​nghị nói rằng vì ông Johnson thắng cử vào năm 2019 nhờ phiếu bầu của các cử tri "trung thành và chăm chỉ" của đảng Bảo thủ, nên cơ bản họ có quyền được nói lên ý kiến của mình. Các cử tri cho biết họ cũng “rất khó chịu” và “tức giận trước quyết định của Quốc hội Anh”.

“Chúng tôi yêu cầu ông Boris Johnson được thêm vào danh sách ứng cử viên để các cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới” - đơn kiến nghị viết.

Theo các cử tri ký bản kiến nghị, toàn bộ quá trình bầu một nhà lãnh đạo mới sẽ tạo cơ hội để “các nghị sĩ lợi dụng, những người có thể viện lý do lợi ích của đất nước và sự bất bình” để dàn xếp chống lại ông Johnson.

Theo ông Campbell-Bannerman, việc loại bỏ ông Johnson là một “hành động tự sát” đối với đảng Bảo thủ, trong khi tỉ phú Cruddas đe dọa sẽ thu lại khoản đóng góp 500.000 bảng Anh (hơn 14 tỉ đồng) trừ phi tên của ông Johnson xuất hiện trên lá phiếu.

Tuy nhiên, một phát ngôn viên của đảng Bảo thủ cho biết “luật pháp đã nêu rõ rằng một khi một nhà lãnh đạo đã từ chức, họ sẽ không đủ điều kiện để tham gia cuộc tranh cử tiếp theo”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (ở giữa). Ảnh: RT

Thủ tướng Anh Boris Johnson (ở giữa). Ảnh: RT

Trong khi ông Campbell-Bannerman và ông Cruddas đe dọa sẽ nộp đơn kêu gọi điều tra khẩn cấp cuộc bầu cử sắp tới nếu đơn kiến nghị của họ không được chấp thuận, một đơn kiến nghị khác về vấn đề tương tự đã bị Quốc hội Anh bác bỏ vào ngày 21-7.

Đơn kháng cáo, được đệ trình vào ngày 8-7, kêu gọi "một cuộc điều tra khẩn cấp về toàn bộ quá trình buộc Thủ tướng Johnson phải từ chức."

“Đưa ông Boris Johnson trở lại làm Thủ tướng Anh. Ông ấy đã bị buộc rời khỏi vị trí lãnh đạo một cách không công bằng và ông ấy cần phải hoàn thành nhiệm vụ của mình vì lợi ích của nước Anh” - bản kiến ​​nghị viết.

Trước đó, Cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Ngoại trưởng Liz Truss đã trở thành hai ứng cử viên cuối cùng được các nghị sĩ đảng Bảo thủ lựa chọn là người thay thế ông Johnson sau khi vòng bỏ phiếu thứ 5 bầu lãnh đạo đảng cầm quyền kết thúc vào chiều 20-7 (theo giờ địa phương).

Ông Sunak và bà Truss sẽ thực hiện các chiến dịch vận động tranh cử trong toàn đảng trên cả nước trước khi 160.000 thành viên đảng Bảo thủ đưa ra quyết định.

Các thành viên đảng Bảo thủ và cử tri cũng sẽ có cơ hội lắng nghe tranh luận của hai ứng viên trong chương trình kéo dài 60 phút, được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình BBC vào tối 25-7 (theo giờ địa phương).

Sau vòng bỏ phiếu cuối cùng, giờ đây các đảng viên Bảo thủ sẽ đưa ra quyết định lựa chọn người đứng đầu đảng cầm quyền bằng lá phiếu bầu qua đường bưu điện trong mùa hè này. Cuộc bỏ phiếu toàn đảng sẽ kết thúc vào ngày 2-9 và tên người chiến thắng sẽ được công bố vào ngày 5-9.

Lãnh đạo đảng mới sẽ được bổ nhiệm làm thủ tướng ngay sau đó. Cho đến khi người đứng đầu chính phủ mới được bổ nhiệm, ông Johnson sẽ tiếp tục giữ vai trò thủ tướng Anh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm