Đường Tôn Đức Thắng đoạn từ Lê Duẩn đến mé sông Sài Gòn dài gần một km có khoảng 260 cây cổ thụ. Nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm, đường kính hơn một mét, cao trên 10 mét. Có cây phải ba người ôm mới xuể.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho biết, khi xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (nối quận 1 với quận 2), 84 cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng phải đốn hạ, 37 cây sẽ được di dời.
Số cây bị đốn hạ chủ yếu là sọ khỉ (xà cừ) có rễ ăn ngang, lồi trên mặt đất, gây hỏng vỉa hè, mặt đường và có thể ảnh hưởng giao thông. Đây cũng là loại cây nằm trong danh mục cấm trồng trên đường phố mà UBND TP HCM đã ban hành cuối năm 2013.
Vợ chồng ông Tư Thới, bán me trên đường Tôn Đức Thắng nhờ hàng cây nên có thể ngồi ngoài đường bán cả ngày. "Tôi vừa bán, vừa ngủ luôn bên gốc cây. Trời nhiều hôm nắng nóng 37-38 độ nhưng ở đây mát lắm", ông Tư kể.
Đại học Sài Gòn nằm ẩn mình dưới những tán cây trên đường Tôn Đức Thắng. Một sinh viên trường này cho biết hàng cổ thụ như một phần của ngôi trường và làm nó thêm phần cổ kính.
Cây cổ thụ đầu đường Tôn Đức Thắng hàng trăm tuổi được xem là chứng nhân qua nhiều giai đoạn lịch sử của TP HCM. Khu nhà K (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) và tòa nhà thuộc Đại học Y dược được Pháp xây dựng cách đây 140 năm. Đây vốn là trại lính xây trên nền thành Gia Định cũ có tầm nhìn hướng ra khu vực sông Sài Gòn (tức xưởng Ba Son, cuối đường Tôn Đức Thắng ngày nay).
"Con đường màu xanh" theo kế hoạch sẽ bị đốn hạ trong vòng 3 năm. Hàng cây dần nhường chỗ cho cầu Thủ Thiêm 2 dài 852 m (không tính phần đường dẫn), rộng 19,3 m với 4 làn xe (dự kiến sẽ điều chỉnh lên 6 làn xe) với tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 2/10, những cây cổ thụ cuối cùng trên đường Nguyễn Huệ đã bị đốn hạ để bàn giao mặt bằng thi công tuyến Metro số 1. Mảng xanh mất đi, con đường trở nên trống trải.