Hãng tin Bloomberg mới đây đã “mục kích sở thị” đại bản doanh “khủng” của Huawei ở TP Thâm Quyến của Trung Quốc, nơi hãng này nói rằng các nhân viên đang nỗ lực tạo ra công nghệ vượt trội nhằm cạnh tranh với Mỹ bất chấp những tranh cãi ở nước ngoài. Tại đó có một phòng lab nghiên cứu được gọi là “Nhà Trắng”, nơi khách tham quan hiếm khi được vào bên trong, theo Bloomberg.
Cũng như phần còn lại của khu đại bản doanh, không có dấu hiệu cho thấy hoạt động bên trong “Nhà Trắng” của Huawei bị xáo trộn.
Thiết bị của Huawei vẫn xa lạ với thị trường Mỹ. Ảnh: REUTERS
Khu đại bản doanh của Huawei có khoảng 60.000 nhân viên và có một cái hồ nước là nơi trú ngụ của những con chim thiên nga đen mà đài CNBC đầu năm nay mô tả là “không hài hòa với văn hóa doanh nghiệp”.
Trong khi nhiều người Mỹ có thể không quen thuộc với Huawei, công ty này là một đối thủ đáng gờm trong ngành công nghệ. Huawei đã đạt doanh thu 93 tỉ USD hồi năm ngoái, tương đương với kết quả mà Microsoft đạt được. Huawei cũng sản xuất những mẫu điện thoại được ưa chuộng rộng rãi và đã đánh bại Apple về số lượng điện thoại bán ra.
Nhưng Huawei lại không thường xuyên được tìm thấy ở Mỹ. Hãng này đã cố gắng nhưng không có được thương vụ nào với những nhà mạng như AT&T và Verizon để bán sản phẩm. Và do phần lớn người Mỹ mua điện thoại từ các cửa hàng của nhà mạng, Huawei hầu như không vào được thị trường Mỹ.
Lý do mà Huawei xa lạ với người Mỹ có liên quan đến quan hệ của công ty này với chính phủ Trung Quốc. Mối quan hệ này khiến giới chức Mỹ lo ngại điện thoại thông minh và công nghệ của Huawei có thể được sử dụng cho mục đích “gián điệp”.
Cứ cho là mối đe dọa an ninh mạng không đủ ngăn cách các ngành công nghệ ở Mỹ và Trung Quốc, hai nước lại vướng vào một cuộc chiến tranh thương mại trong năm nay.
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, ái nữ của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi và là giám đốc tài chính của tập đoàn này, tại Canada đầu tháng 12 đã khiến những căng thẳng nói trên càng tồi tệ hơn. Trung Quốc đã cảnh báo những “hậu quả nghiêm trọng” cho cả Mỹ lẫn Canada.
Dù bà Mạnh đã được cho bảo lãnh tại ngoại, giới chức Trung Quốc mới đây đã bắt giữ hai công dân Canada nhằm phản ứng với vụ bắt giữ đang khiến dư luận chú ý.