Hungary muốn Nghị viện châu Âu hiện tại giải thể

(PLO)- Quốc hội Hungary đã thông qua một nghị quyết đề xuất những thay đổi đối với EU hiện nay, bao gồm xây dựng quân đội và trao quyền lớn hơn cho các quốc gia thành viên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đài RT ngày 19-7 đưa tin Quốc hội Hungary vừa thông qua một nghị quyết yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban theo đuổi “tầm nhìn” của quốc gia này về tương lai của Liên minh châu Âu (EU).

Quốc hội Hungary thông qua một nghị quyết đề xuất giải thể Nghị viện châu Âu. Ảnh: REUTERS
Quốc hội Hungary thông qua một nghị quyết đề xuất giải thể Nghị viện châu Âu. Ảnh: REUTERS

Nghị quyết trên do một số nghị sĩ Hungary, bao gồm một số thành viên đảng Fidesz của ông Orban, đưa ra nhằm tìm cách giải tán Nghị viện châu Âu theo hình thức hiện tại cũng như yêu cầu quyền phủ quyết cho các quốc gia thành viên đối với bất kỳ dự luật nào của EU.

Theo nghị quyết trên, EU "phải thay đổi bởi vì nó không được chuẩn bị để đối mặt với những thách thức ngày nay". Nghị quyết còn chỉ trích các biện pháp trừng phạt "thiếu cân nhắc” của EU đối với Nga liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine.

Nghị quyết được 130 nghị sĩ ủng hộ này cũng chỉ trích rằng tình trạng suy thoái kinh tế của khối đã làm ảnh hưởng tới công dân Hungary.

Nghị quyết nhấn mạnh “chỉ các quốc gia thành viên mạnh mẽ và có năng lực mới có thể bảo vệ công dân của họ", do vậy nhiệm vụ của EU phải nằm ở việc ủng hộ các thành viên "quản lý khủng hoảng hiệu quả”. Nghị quyết cũng nói thêm rằng khuôn khổ hiệp ước của EU “không còn phù hợp để làm cơ sở hợp tác trong thời đại khủng hoảng”.

Bên cạnh đó, các nghị sĩ Hungary yêu cầu đánh giá lại những hiệp ước của EU để đảm bảo hợp pháp "tính trung lập về chính trị và ý thức hệ" của Ủy ban châu Âu và tổ chức lại Nghị viện châu Âu để các nghị sĩ được cơ quan lập pháp tại các quốc gia thành viên lựa chọn thay vì thông qua bầu cử trực tiếp.

Nghị quyết cho rằng quốc hội của các quốc gia thành viên EU cũng nên có quyền phủ quyết "những dự luật vô ích của EU” cũng như mở rộng quyền đề xuất các dự luật mới ở cấp độ EU cho các chính phủ và nhà lập pháp ở các nước thành viên.

Ngoài ra, nghị xuất còn đưa ra một số đề xuất khác như xây dựng “quân đội chung châu Âu" nhằm đảm bảo lục địa này có thể "tự vệ" cũng như bảo vệ các dân tộc thiểu số bản địa ở châu Âu; công nhận nguồn gốc văn hóa và Cơ đốc giáo của châu Âu là "cơ sở của hội nhập châu Âu".

Nghị quyết được thông qua tiếp sau Hội nghị về tương lai châu Âu kéo dài một năm từ tháng 4-2021 đến tháng 5-2022 với các cuộc tranh luận từ các công dân đến từ các quốc gia thành viên EU nhằm chia sẻ ý tưởng và giúp định hình tương lai chung của khối.

Báo cáo tổng kết của hội nghị đã kêu gọi hội nhập sâu rộng hơn và “hài hòa hơn” trong EU, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc xoá bỏ nguyên tắc nhất trí để ủng hộ “việc ra quyết định của đa số đủ điều kiện” trong một số lĩnh vực từ giáo dục đến Chính sách An ninh và Đối ngoại chung (CFSP).

Hungary đã chỉ trích báo cáo này và nói rằng hội nghị đã trở thành "một đầy tớ" cho các lực lượng "quan tâm đến việc xóa bỏ chủ quyền của các quốc gia thành viên và tăng cường quyền lực của bộ máy EU".

Chính quyền của Thủ tướng Orban gần đây đã mâu thuẫn với Brussels về một số vấn đề, đặc biệt là đối với các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Moscow.

Vào ngày 15-7, ông Orban nói rằng EU “tự bắn vào phổi” bằng các lệnh trừng phạt kinh tế "thiếu nghiêm túc" đối với Nga và có nguy cơ phá hủy nền kinh tế châu Âu.

“Các biện pháp trừng phạt không giúp ích gì cho Ukraine, tuy nhiên, chúng lại gây hại cho nền kinh tế châu Âu và nếu cứ tiếp tục như vậy, chúng sẽ giết chết nền kinh tế châu Âu" - ông Orban cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm