TTK NATO điều trần trước nghị viện châu Âu chuyện Khái niệm Chiến lược mới coi TQ là thách thức

(PLO)- Trong phiên điều trần trước nghị viện châu Âu, ông Stoltenberg đã lên án các hành động gây hấn của Trung Quốc và mối đe dọa của nước này đối với lợi ích, giá trị và an ninh của NATO.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-7, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg điều trần trước các thành viên Ủy ban Đối ngoại của nghị viện châu Âu và Tiểu ban An ninh và Quốc phòng thuộc Uỷ ban này về lý do NATO xem Trung Quốc là thách thức trong Khái niệm Chiến lược mới mà khối này vừa công bố tại hội nghị thượng đỉnh vừa rồi, theo tờ South China Morning Post.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: NATO

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: NATO

Tại phiên điều trần, thành viên nghị viện châu Âu người Ireland, ông Mick Wallace, đặt câu hỏi cho ông Stoltenberg về lý do tại sao châu Âu không thể chung sống hòa bình với Trung Quốc và tôn trọng thực tế rằng hai gã khổng lồ thương mại theo đuổi các giá trị khác nhau.

“Tôi tôn trọng rằng Trung Quốc khác với Liên minh châu Âu (EU) và thậm chí với đất nước của tôi, Na Uy. Nhưng đối với tôi, tôn trọng nhân quyền là điều thiết yếu” - ông Stoltenberg trả lời, đồng thời nói thêm rằng hành động gây hấn của Trung Quốc là điều không thể làm ngơ.

Đáp lại, ông Wallace cho rằng các hành động của Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới là mang tính chất phòng thủ chứ không phải tấn công.

Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO phản bác nhận định trên khi viện dẫn các hành động quân sự gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông và các nơi khác.

Ông Stoltenberg cũng nhấn mạnh rằng mối quan hệ đối tác chiến lược mới giữa Trung Quốc và Nga là một mối đe dọa đối với các quốc gia thành viên NATO. Đồng thời, ông nói rằng việc cập nhật “Khái niệm Chiến lược” nhằm đối phó trước các thách thức của Trung Quốc đối với lợi ích, giá trị và an ninh của NATO.

Trong khi đó, ông Reinhard Buetikofer, thành viên nghị viện châu Âu và Chủ tịch phái đoàn quan hệ với Trung Quốc, cho biết ông hoan nghênh Khái niệm Chiến lược mới của NATO cũng như lập trường cứng rắn của tổ chức này đối với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, ông đặt câu hỏi cho Tổng thư ký Stoltenberg liên quan đến kế hoạch của NATO trong việc áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt đối với Trung Quốc.

“'Thương mại và an ninh là hai vấn đề không tách rời. Tôi là một người ủng hộ thương mại tự do. Nhìn lại việc Trung Quốc trong quá khứ cố gắng nắm quyền kiểm soát mạng 4G, khi đó NATO và EU đã hành động và thực hiện các biện pháp kiểm soát” - ông Stoltenberg nói.

Phiên điều trần trên diễn ra hai tuần sau khi liên minh quân sự này công bố Khái niệm Chiến lược mới tại tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) hôm 29-6 nhằm định hướng chính sách an ninh của khối trong những năm tới. Khái niệm Chiến lược mới của NATO xác định Trung Quốc là một "thách thức mang tính hệ thống đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương”.

Theo văn bản Khái niệm Chiến lược mới NATO vừa thông qua, Bắc Kinh đã "sử dụng một loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự nhằm tăng cường sự hiện diện và phô bày sức mạnh toàn cầu trong khi vẫn không rõ ràng về chiến lược, ý định và việc xây dựng quân đội”.

Phiên điều trần của Tổng thư ký NATO tại nghị viện châu Âu nhằm tìm cách để EU có thể hình thành nên chiến lược hành động. Ông Stoltenberg nói rằng NATO đã đồng ý hợp tác với EU về vấn đề này.

"Tất cả chúng ta đều hiểu rằng EU và NATO là hai tổ chức khác nhau nhưng chúng ta có chung nhiều thách thức, cùng chung một khu vực lân cận và chúng ta làm việc ngày càng chặt chẽ hơn”' - ông Stoltenberg cho hay.

Mặc dù ông Stoltenberg nhiều lần nhấn mạnh rằng NATO không xem Trung Quốc là đối thủ mà là thách thức chiến lược, nhưng trong phiên điều trần, ông kêu gọi NATO và EU phải làm việc cùng nhau để xây dựng khả năng phục hồi trong thương mại và an ninh liên quan tới các mối đe dọa từ Trung Quốc, Nga và các thách thức khác trên thế giới.

Đồng thời ông nói thêm rằng hai tổ chức đang trong quá trình chuẩn bị một tuyên bố chung NATO-EU mới nhằm đối phó với thách thức kể trên.

Nhà phân tích Noah Barkin thuộc Quỹ German Marshall cho hay có sự đồng thuận rộng rãi trong EU cho rằng cần có một “cách tiếp cận rõ ràng hơn” đối với Trung Quốc. Tuy nhiên ông nhận định vẫn còn những khác biệt giữa các nước châu Âu về bao lâu và bao xa trong việc định hình lại mối quan hệ với Bắc Kinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm